Tối 5.11, Hà Nội ghi nhận 133 ca mắc COVID-19, đây là con số cao nhất kể từ đợt dịch thứ 4 bùng phát tới giờ.

Hà Nội cân nhắc cho học sinh trở lại học trực tiếp khi ca mắc COVID-19 tăng cao

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 05/11/2021, 19:21

Tối 5.11, Hà Nội ghi nhận 133 ca mắc COVID-19, đây là con số cao nhất kể từ đợt dịch thứ 4 bùng phát tới giờ.

Với 133 ca nhiễm COVID-19 trong ngày 5.11, trong đó có tới 61 ca cộng đồng, Hà Nội liên tục ra thông báo khẩn khiến nhiều người lo lắng. Dịch bệnh trở nên phức tạp khiến nhiều phụ huynh lo lắng về việc sắp tới đây ngày 8.11 các học sinh đã phải đến trường mà ca nhiễm COVID-19 cộng đồng vẫn tăng cao.

Theo thông báo của UBND TP.Hà Nội, từ ngày 8.11, học sinh khối lớp 5, 6, 9, 10 và 12 của các trường học thuộc các xã, phường, thị trấn của 18 huyện và thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong 14 ngày tính đến thời điểm ngày 8.11 không có các ca F0 trong cộng đồng được đi học trực tiếp tại trường.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Giáo dục đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội cho rằng việc học sinh trở lại trường học phải phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm thận trọng, lấy địa bàn cấp xã, phường, thị trấn để đánh giá và xây dựng tiêu chí. Việc này phải làm từng bước với phạm vi, mức độ nhất định và phương châm vừa làm vừa điều chỉnh, nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn về sức khỏe cho giáo viên và học sinh.

yen06.jpg
Hà Nội cân nhắc việc cho học sinh quay trở lại trường học vào ngày 8.11 tới đây

Sở GD-ĐT đề xuất phương án cho học sinh trở lại trường vào thời điểm số ca dương tính với vi rút COVID-19 hằng ngày trên dưới 10 ca bệnh. Nhưng từ ngày 1.11 đến nay, số ca bệnh phát hiện hằng ngày tăng gấp 5 - 6 lần, các ổ dịch xuất hiện ở những vùng học sinh được trở lại trường. Sở GD-ĐT cho biết, Hà Nội tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch bệnh, nếu số ca bệnh hằng ngày tăng, Sở sẽ báo cáo UBND TP để có quyết định điều chỉnh phương án cho học sinh trở lại trường, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh và cán bộ, giáo viên.

Không an tâm khi đồng ý cho con trở lại trường học vào lúc này, chị Nguyễn Ái Nhi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) khẳng định: "Mặc dù khu vực nhà tôi ở và trường con tôi học đang là vùng xanh và được phép đến trường nhưng khi con chưa tiêm vắc xin và các ca cộng đồng đang tăng lên nhanh chóng tôi vẫn không đồng ý cho con đến trường để học trực tiếp. Mặc dù biết con học trực tuyến khá vất vả nhưng thà mệt vì học qua màn hình còn hơn đi học lỡ con lây bệnh thì lại khổ cho con, cho cả gia đình."

Theo quy định của thành phố, việc đi học trở lại phải tuân thủ theo các hướng dẫn liên ngành của Sở Y tế và Sở GD-ĐT, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí trường học an toàn theo quy định. Đồng thời có phương án bảo đảm giãn cách, giảm sĩ số học sinh/buổi dạy. Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 chỉ dạy học trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp; chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày; không tổ chức ăn bán trú, bán đồ ăn uống trong trường...

Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn căn cứ vào mức độ an toàn dịch COVID-19, quyết định, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và các phương án chi tiết ứng phó với những tình huống cụ thể để phòng, chống dịch COVID-19; chịu trách nhiệm trước thành phố về việc cho học sinh đi học trở lại bảo đảm an toàn.

Trước đó, tại hội nghị giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo TP với Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã về công tác phòng chống dịch COVID-19 ngày 3.11, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, nếu tình hình dịch có chiều hướng xấu hơn, số ca mắc tăng lên, thành phố sẽ điều chỉnh linh hoạt chủ trương học sinh đến trường. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, số giáo viên hoàn thành tiêm mũi 1 vắc xin ngừa COVID-19 đạt 97,06%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 72,85%. Có 27 đơn vị trường được trưng dụng làm cơ sở cách ly.

Bài liên quan
Hà Nội tổ chức tuần tra lưu động, giúp người dân đi lại thuận tiện dịp nghỉ lễ
TP.Hà Nội luôn chuẩn bị biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố trên các tuyến giao thông trọng điểm, các cửa ngõ ra vào thủ đô, không để phát sinh ùn tắc kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội cân nhắc cho học sinh trở lại học trực tiếp khi ca mắc COVID-19 tăng cao