Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Hà Nội phối hợp cùng các ban, ngành hướng dẫn cụ thể để cho học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 299/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội.
Yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội cần quán triệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để "thích ứng an toàn, linh hoạt" với tình hình mới. Đồng thời phải lưu ý thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ bắt buộc đi cùng là "kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", chủ động trao đổi, nghiên cứu, rút kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh của các địa phương khác để kịp thời chỉ đạo, tổ chức đào tạo, tập huấn cho các lực lượng phòng, chống dịch của thành phố, trong đó có cả các lực lượng tình nguyện viên.
Phó thủ tướng yêu cầu Hà Nội chủ động tính nhu cầu, lên kế hoạch mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các kịch bản dịch bệnh có thể xảy ra. Kiểm soát chặt chẽ các trường hợp đến từ các địa phương có cấp độ dịch cao, ngấm sâu trong cộng đồng; tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả các giải pháp y tế căn bản, phù hợp với tình hình và các địa bàn cụ thể như: Ngăn chặn, phát hiện (xét nghiệm), cách ly, điều trị...
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cân đối nguồn cung vắc xin trong tháng 11, 12 năm 2021, ưu tiên bố trí để Hà Nội tiêm cho toàn bộ nhân dân Thủ đô từ 18 tuổi trở lên (có tính đến người đến từ địa phương khác nhưng đang sống, học tập và làm việc tại Hà Nội). Nghiên cứu kiến nghị của Hà Nội về việc hướng dẫn xét nghiệm người từ các khu vực dịch đã nhiễm sâu, tiêu chí đánh giá cấp độ dịch đối với các đô thị lớn, mật độ dân số cao để có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; công bố các phác đồ điều trị COVID-19 để địa phương có cơ sở quyết định việc chuẩn bị sẵn vật tư, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch.
Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, khẩn trương có văn bản hướng dẫn cụ thể việc tổ chức cho học sinh các cấp đi học tập trung trở lại, trong đó lưu ý việc chỉ đạo bảo đảm an toàn trong các cơ sở giáo dục (bao gồm cập nhật trên cổng thông tin của Bộ), đồng thời phải tính đến tâm sinh lý của các cháu học sinh, sinh viên, của gia đình, lực lượng lao động liên quan khi dịch bệnh có thể kéo dài.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội sẽ mở lại toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo. Cách làm là đi từng bước để bảo đảm an toàn cao nhất cho trẻ em. Trước mắt, xem xét việc tổ chức dạy và học trực tiếp tại một số huyện, thị xã bảo đảm điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Y tế sẽ phân bổ vắc xin Pfizer cho Hà Nội trong tháng 11 để tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi theo quy định. Đây là điều kiện rất quan trọng để tăng thêm độ an toàn khi tiến hành quá trình khôi phục hoạt động của hệ thống trường học.
Đối với điểm nóng dịch tại huyện Quốc Oai, Phó chủ tịch huyện Hoàng Nguyên Ưng cho biết, huyện đã ban hành kế hoạch chuẩn bị các điều kiện, tổ chức cho học sinh trở lại trường học. Phòng GD-ĐT, Trung tâm Y tế huyện rà soát cấp độ dịch tại các xã, xác định cụ thể mức độ dịch thuộc cấp độ 1, 2 hay 3, 4 để có phương án cho học sinh trở lại trường.
Công tác chuẩn bị trước khi học sinh đi học trở lại đang được các trường hoàn tất. Các trường đã vệ sinh trường, lớp học, phòng làm việc, phun khử khuẩn; bảo đảm trang bị mỗi lớp học 1 nhiệt kế điện tử để phục vụ công tác đo thân nhiệt. Phòng Y tế các trường được yêu cầu đủ trang thiết bị, cơ số thuốc theo quy định, bố trí 1 phòng cách ly riêng biệt để cách ly khi học sinh, giáo viên có biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở…
Bên cạnh đó, bảo đảm giãn cách, không bị ùn tắc tại cổng trường, kiểm tra thân nhiệt, rửa tay khử khuẩn trước khi vào lớp học. Khi học sinh tan học cần ra về theo khối lớp, yêu cầu học sinh sau khi tan học không được tụ tập, phải ra về cùng lúc. Yêu cầu học sinh hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình, có bản cam kết của phụ huynh học sinh về “một cung đường, hai điểm đến”.
Quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu tại các trường học có trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của trường báo cáo kịp thời về Sở chỉ huy cấp xã, thị trấn để xin ý kiến cho dừng việc học tập trực tiếp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.