Đồng bào là cùng một bọc, cùng một bào thai sinh ra, hỏi ở đâu trên thế giới này mà có một đất nước toàn là anh em chị em ruột rà như nước Việt?

Thiêng liêng hai tiếng đồng bào

Nhà thơ Thanh Thảo | 17/11/2021, 13:06

Đồng bào là cùng một bọc, cùng một bào thai sinh ra, hỏi ở đâu trên thế giới này mà có một đất nước toàn là anh em chị em ruột rà như nước Việt?

Sáng 19.11 tới, TP.HCM và cả nước sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào ta đã qua đời do đại dịch COVID-19, với tất cả tình yêu thương và nỗi xót đau vô hạn. Còn nhiều hơn cả số người chết trong một năm chiến tranh khốc liệt nhất, dịch COVID-19 chỉ trong thời gian ngắn đã cướp đi sinh mạng của ngót 25.000 đồng bào ta, để lại những thảm cảnh cho rất nhiều gia đình. Mấy nghìn trẻ em mất cha mất mẹ, nhiều em mất cả cha lẫn mẹ, còn đau đớn nào hơn.

Nhưng chính trong hoàn cảnh đau thương tột cùng ấy, đã vang lên khắp đất nước Việt Nam hai tiếng "đồng bào", hai tiếng thiêng liêng đã ra đời từ mấy nghìn năm trước. Đồng bào là cùng một bọc, cùng một bào thai sinh ra, hỏi ở đâu trên thế giới này mà có một đất nước toàn là anh em chị em ruột rà như thế? Khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập trên quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945, giữa lúc đọc, Bác đã dừng lại và hỏi nhỏ nhẹ: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Chỉ một câu ngắn với hai tiếng đồng bào, Bác Hồ đã gây xúc động cho toàn dân tộc Việt Nam. Bởi hai tiếng "đồng bào" trong văn cảnh ấy thật sự thiêng liêng, thật sự gần gũi với tất cả mọi người dân Việt Nam.

Vào ngày 24.11.2021 này, sẽ diễn ra “Hội nghị văn hóa toàn quốc” do Bộ Chính trị chủ trương và chủ trì. Thời đại mới đòi hỏi phải có một nền văn hóa mới, nhưng tôi nghĩ, văn hóa Việt Nam phải bắt đầu từ hai tiếng "đồng bào", hai tiếng đã gắn kết dân tộc chúng ta trải qua cả nghìn năm xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sở dĩ không có kẻ thù ngoại bang nào đồng hóa được dân tộc chúng ta, vì cả dân tộc này là đồng bào với nhau. Nếu tình thương yêu, lòng nhân ái là đỉnh cao của văn hóa, thì đồng bào chính là nền tảng cho văn hóa người Việt. Chính vì chúng ta là đồng bào của nhau, nên chúng ta biết yêu thương đồng bào mình, biết xót xa khi đồng bào mình lâm nạn, đồng bào mình khốn khổ.

Trong trận dịch tàn khốc vừa qua, hàng vạn hàng vạn người từ khắp đất nước đã xung phong vào TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ đang bị đại dịch, bằng tất cả tình cảm, bằng trái tim yêu thương đồng bào của mình để xả thân cứu giúp những người bị dịch bệnh nguy cấp, trợ giúp những người nghèo khổ bị dịch bệnh làm cho trắng tay.

Rồi khi hàng triệu công nhân, người lao động mất việc, mất sinh kế phải rời khỏi Sài Gòn và mấy tỉnh phía nam để tìm về quê nhà nương náu trong lúc khốn cùng, thì dọc đường thiên lý của Việt Nam đã lập tức mọc lên hàng nghìn trạm cứu trợ tự phát của nhân dân hai bên đường, giúp đỡ những người hồi hương bằng tất cả tình thương yêu và những món quà thiết thực nhất. Cuộc hồi hương trong vất vả khốn khổ đã kết thúc bằng tình nghĩa đồng bào đùm bọc lẫn nhau, nói như bây giờ là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, không để ai bị khốn đốn mà không người chăm sóc.

Đó chính là đỉnh cao của văn hóa Việt, đỉnh cao của tình nghĩa đồng bào, khi cả nước vì những người hồi hương khốn khó, và những người hồi hương biết ơn đồng bào cả nước vì đã đùm bọc họ trong cơn hoạn nạn.

Chúng ta tưởng niệm những đồng bào chúng ta bị thiệt mạng, đặt những kế hoạch những dự án chăm sóc nuôi dưỡng hàng mấy nghìn em bé mồ côi trong và sau đại dịch, đùm bọc giúp đỡ sẻ chia với hàng triệu đồng bào chúng ta trên đường họ hồi hương, đó là chúng ta đã nâng hai tiếng "đồng bào" đến tầm thiêng liêng cao cả, và tới những trợ giúp thiết thực cụ thể nhất.

Dịch bệnh chưa thể kết thúc, và tấm lòng nhân hậu vô song của người Việt còn nhiều dịp để thể hiện. Khi hàng vạn cánh tay đưa lên nâng niu những em bé mồ côi, chăm chút những đứa trẻ sơ sinh trên đường cha mẹ chúng hồi hương, thì chính trong những lúc ấy, văn hóa của Việt Nam đã tự khẳng định mình. Mỗi người Việt Nam hãy thấm nhuần trong máu mình “văn hóa đồng bào” ấy, thì không dịch hay giặc nào khuất phục nổi dân tộc Việt Nam ta.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiêng liêng hai tiếng đồng bào