Đến chiều 15.10, tại Quảng Bình đã có 9 người chết, 8 người mất tích, 13 người bị thương, 71.192 căn nhà bị ngập. Tỉnh này phải báo cáo ra Trung ương xin hỗ trợ hàng nghìn tỉ đồng khắc phục hậu quả do lũ gây ra.
Thương vong kinh hoàng
Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, đến thời điểm 17 giờ ngày 15.10, toàn tỉnh đã có 9 người chết do mưa lũ. Cụ thể, ông Lê Văn Thân (SN 1968, thôn 7, xã Lý Trạch) bị sét đánh chết vào lúc 12 giờ ngày 14.10. Cháu Nguyễn Gia Bảo (SN 2012, thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch) bị chết đuối lúc 10 giờ ngày 15.10. Em Hồ Thị Long (SN 2003, bản Rào Con, xã Sơn Trạch) bị mất tích vào lúc 19 giờ ngày 14.10. Bà Nguyễn Thị Dương (SN 1939, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn) bị chết do sửa mái nhà. Bà Võ Thị Lài (SN 1966, trú xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) bị chết do lốc xoáy lật thuyền. Em Hà Xuân Thanh (SN 1992, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh) bị chết đuối. Ông Trần Thanh Văn (40 tuổi, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) bị sét đánh chết vào lúc 20 giờ ngày 14.10. Ông Nguyễn Văn Sự (SN 1971, xã Lộc Ninh, Đồng Hới) bị nước cuốn trôi. Cháu Trương Hoài Nam (học sinh lớp 8, xóm 6, thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu) do bị sẩy chân xuống đập Mụ Thao và bị chết đuối.
3 người mất tích gồm ông Thái Xuân Năng (62 tuổi, thôn 3, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa) bị nước cuốn trôi vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 14.10 khi dắt bò về lội qua ngầm tràn giữa thôn 3 và thôn 4; hiện nay các lực lượng đang triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn nhưng vẫn chưa tìm được. Tại xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa) anh Đinh Văn Xưởng (25 tuổi) lúc bơi qua ngầm tràn để đưa một phụ nữ chuẩn bị sinh qua thì bị nước cuốn trôi. Cũng tại xã này, lúc 9 giờ 30 phút ngày 14.10, tại bản Bãi Dinh, em Phạm Hoàng Phương (SN 2006, trú thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch) bị nước cuốn trôi.
Có 13 người bị thương do mưa lũ, trong đó huyện Lệ Thủy có 4 người bị thương do lốc xoáy ngày 14.10; huyện Bố Trạch có 3 người; tại huyện Quảng Trạch, tàu Cảng vụ đã cứu vớt được 6 người trên biển, hiện đang chuyển đến Trạm bờ Quảng Đông để sơ cứu.
Liên quan đến 5 tàu hàngbị lũ cuốn tại cửa Gianh, báo cáo từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, tàu HD 2138 đã bị chìm; Cảng vụ hàng hải Quảng Bình đã cứu được 3 thuyền viên trên tàu này và 3 thuyền viên ở các tàu hàng khác, 1 thuyền viên mất tích.
Hiện, tàu ND 2626/5 thuyền viên đang mắc cạn ở cửa Gianh. Tàu HD 2155 bị lật úp ở gần phao số 0-cửa Gianh, 4 thuyền viên mất tích. Tàu ND 1789/5 thuyền viên đã cập cảng Hòn La an toàn. Tàu CBS 9004 đang chuẩn bị tiếp cận tìm phương án cứu nạn, cứu hộ tàu HD 2578/0 thuyền viên bị trôi ra phao số 0-cảng Gianh.
Liên quan đến các tàu cá bị trôi dạt tại cửa Ròon, có khoảng 12 tàu đang bị mắc cạn; 5 tàu bị chìm; 4 tàu đã trôi ra biển, một trong bốn tàu đã cứu được 2 người đang sống.Trong khi đó, tại phường Hải Thành (TP.Đồng Hới) có 1 tàu cá bị chìm trên sông Nhật Lệ, tại xã Bảo Ninh cũng có 1 tàu cá bị chìm.
Cần hàng ngàn tỉ đồng khắc phục hậu quả
Mưa lũ lịch sử đã khiến toàn tỉnh Quảng Bình có 71.192 nhàbị ngập, 59 nhàbị tốc mái; trong đó nhiều nhất là thị xã Ba Đồn với 22.873 ngôi nhà; huyện Lệ Thủy có 19.800 hngôi nhàbị ngập, 26 nhà bị tốc mái do lốc xoáy; huyện Quảng Ninh có 8.100 nhà bị ngập; huyện Tuyên Hóa với 8.767 nhà bị ngập; huyện Bố Trạch có 4.500 hộ bị ngập; TP.Đồng Hới có 1.396 nhà bị ngập…
Trước tình hình nguy hiểm, huyện Quảng Trạch đã sơ tán 78 người đến những nhà cao tầng; huyện Bố Trạch di dời được khoảng 1.500 hộ đến nơi an toàn; huyện Tuyên Hóa di dời 287 hộ.
Về nông nghiệp, huyện Lệ Thủy bị thiệt hại hoa màu trên 70%, cây trồng hàng năm bị thiệt hại 600ha, lương thực bị hư hỏng 2.000 tấn, gia cầm chết 3.0000 con, diện tích ao hồ bị thiệt hại 300ha. Tại huyện Quảng Ninh, gia cầm bị chết và trôi 43.000 con, lợn bị trôi và chết 103 con, trâu bò chết 02 con do bị sét đánh, thiệt hại 297 ha nuôi trồng thủy sản, thóc ướt 239 tấn.
Về thủy lợi và nước sạch, tại thôn Phú Xuân xã Quảng Phú (Quảng Trạch) bị sạt lở bờ sông 20m chiều sâu và khoảng trên 200m chiều dài. Khoảng 30km kênh mương ở huyện Lệ Thủy bị hư hỏng, khối lượng đê bao bị sạt lở 30.000 m3, khe cát bị vùi lấp 20000 m3. Tại huyện Quảng Ninh, hệ thống đê kè, kênh mương thủy lợi bị hư hỏng nặng.
Về giao thông, có 7 khu gian sạt lở taluy nền đường phải phong tỏa bao gồm các khu gian: Phúc Trạch - Tân Ấp, Ngọc Lâm - Lạc Sơn, Lạc Sơn - Lệ Sơn, Lệ Sơn - Mỹ Lệ, Phúc Tự - Đồng Hới. Ga Đồng Hới, ga Lệ Kỳ bị ngập nước, hiện tại lượng mưa đã có giảm, nước sông bắt đầu rút chậm nhưng nhiều vị trí vẫn chưa thể triển khai được các biện pháp khắc phục.
Có 4 đoàn tàu chở khách đang dừng tại 3 ga (Mỹ Đức, Đồng Hới, Lệ Sơn). Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, có 366 hành khách lưu lại trên tàu. UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh sử dụng tàu thủy để tiếp cận hỗ trợ xăng dầu, nhu yếu phẩm cho đoàn tàu SE19 tại ga Lệ Sơn/132 hành khách. Sở GTVT đã chuẩn bị phương tiện để giải phóng hành khách khi đường bộ tiếp cận được tại ga.
Các Quốc lộ: 15, 12A, 9B bị ngập sâu, sạt lở, hư hỏng và chia cắt nhiều đoạn. Hiện tại, các tuyến đường liên thôn, bản ở các xã Tân Hóa, Minh Hóa, Thượng Hóa đang bị ngập sâu và chia cắt. Tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đi qua xã Thượng Hóa đang bị ngập sâu khoảng 1,5m; các phương tiện vẫn chưa thể qua lại được.
Xã Châu Hoá, Văn Hoá, Mai Hoá, Thạch Hoá, Phong Hoá, Tiến Hoá các tuyến đường, UBND xã, trạm Y tế, Trường học, các cơ quan bị ngập, chia cắt hoàn toàn. Tất cả các tuyến đường vào xã Thanh Thạch bị ngập sâu không lưu thông được. Huyện Tuyên Hóa phải cắt điện toàn bộ 19 xã.
Trước thiệt hại nặng nề như trên, UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng: “Trong lúc nguồn lực của địa phương còn rất hạn chế, lại vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, tỉnh Quảng Bình kính đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ khẩn cấp cứu đói cho người dân ở những vùng thiệt hại không có gạo để ăn 5.000 tấn gạo, trước mắt hỗ trợ 2.000 tấn. Hỗ trợ 250 tỉ đồng, trước mắt hỗ trợ khẩn cấp 100 tỉ đồng để sớm khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra”.
Tỉnh này cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ giống cây trồng phù hợp với cơ cấu giống của tỉnh, cho tỉnh nhận giống tại Công ty cổ phần giống cây Quảng Bình gồm: lúa 100 tấn; lạc 100 tấn; hạt giống rau các loại 15 tấn; giống vật nuôi, thuốc xử lý môi trường, nước sinh hoạt và các vật tư thiết bị khác, phòng dịch bệnh vật nuôi, cây trồng 50 tỉđồng.
Về đầu tư sửa chữa cơ sở hạ tầng, Quảng Bình cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ tổng số tiền là 1.220 tỉ đồng, gồm: hệ thống thuỷ lợi, đê kè 300 tỉ đồng; hỗ trợ ngư dân có tàu thuyền bị đứt dây neo, bị sóng gió đánh chìm trong đợt mưa lũ 100 tyỉ đồng; về giao thông - vận tải 400 tỉ đồng; vềytế 40 tỉ đồng; về giáo dục 300 tỉ đồng; các công trình di dân khẩn cấp là 80 tỉ đồng.
Tỉnh này cũng đề nghị Chính phủ có chính sách khoanh nợ, giảm lãi suất hoặc không tính lãi suất cho vay đối với các khoản vay của các doanh nghiệp và hộ gia đình bị thiệt hại do bão gây ra; đồng thời, tiếp tục có chính sách cho vay ưu đãi để khắc phục hậu quả bão lụt nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Lê Đình Dũng