Thời điểm mua sắm khôn ngoan nhất tại cửa hàng H&M là vào thứ 2 và thứ 5 vì đây là 2 ngày nhập hàng mới. Đối với mua sắm online thì thứ 5 cũng là ngày tuyệt nhất bởi cứ 8g sáng thứ 5, hàng sẽ được bổ sung vào kho.
Đó là một trong những điều bạn nên biết về thương hiệu thời trang Thụy Điển H&M, vừa đến Việt Nam và tạo nên cơn sốt trong ngày khai trương hôm qua (9.9) tại Vincom, Q.1, TP.HCM.
Trên thế giới, H&M là một trong những thương hiệu thời trang bình dân bán lẻ hoành tráng nhất thế giới, chỉ sau chỉ đứng sau Inditex Tây Ban Nha (công ty mẹ của Zara). Sự thành công của thương hiệu chính là khẩu hiệu "giá rẻ nhưng bán khối lượng nhiều vẫn có lãi" mang đến cuộc cách mạng về thời đại công nghiệp “Fast Fashion” trong thời hiện đại.
Thương hiệu này từng hợp tác với các nhà thiết kế nổi tiếng như Karl Lagerfeld, Stella McCartney, Alexander Wang... và các ngôi sao đình đám như Madonna, Beyonce và hãng thời trang cao cấp Versace…
Sau đây là những điều thú vị về H&M mà không phải tín đồ thời trang nào cũng biết.
1. H&M đã… 70 tuổi và ban đầu có tên là Hennes
H&M được thành lập bởi Erling Persson người Thụy Điển vào năm 1947 ở Vaesteras với tên ban đầu là Hennes, nghĩa là "của cô ấy" trong tiếng Thụy Điển, vì khi ấy hãng chỉ bán đồ nữ. Đến năm 1968, Persson thu mua lại công ty Mauritz Widforss, thương hiệu bán đồ đi săn, đồ đi câu và ra mắt thêm những bộ sưu tập thời trang dành cho nam giới, sau đó đổi tên chính thức thành "Hennes & Mauritz" tiền thân của H&M ngày nay.
2. Thương hiệu có tiết mục nhảy truyền thống
Đã thành truyền thống, mỗi khi một cửa hàng H&M mới được mở, toàn bộ nhân viên tại cửa hàng đó sẽ chiêu đãi khách hàng một màn "quẩy" đặc biệt trước khi cắt ruy băng chính thức mở cửa hàng. Tại H&M Việt Nam, trong buổi đầu khai trương có màn nhảy flashmod.
3. Là nhà tiêu thụ cotton hữu cơ lớn nhất thế giới
H&M là thương hiệu sử dụng nhiều vải cotton hữu cơ nhất. Vải cotton hữu cơ được tạo ra bởi quá trình canh tác tự nhiên, không có sự can thiệp của thuốc trừ sâu, phân bón hay bất cứ chất hóa học nào, do đó dù có giá thành cao hơn nhưng loại vải này lại thân thiện với môi trường.
4. Ngay cả CEO cũng phải làm việc tại cửa hàng
Trong quy định làm việc của H&M ghi rõ bất cứ nhân viên nào, dù ở cấp bậc nào cũng đều phải làm việc tại cửa hàng ít nhất 2 ngày trong 1 năm. Điều đó có nghĩa là cả lãnh đạo cấp cao như CEO cũng phải "lao động" như các nhân viên khác trong ít nhất 2 ngày.
5. Tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu bình dân khác
Ngoài thương hiệu chủ lực H&M, tập đoàn H&M còn sở hữu nhiều thương hiệu bình dân khác như COS, Monki, Weekday, Cheap Monday và Other Stories.
6. H&M hiện có hơn 4.000 cửa hàng trên toàn thế giới
Sau 70 năm thành lập, Tính đến tháng 5.2017, H&M đã có mặt tổng cộng ở 66 quốc gia với 4.087 cửa hàng
7. Giảm giásau 1 tuần trình làng các BST hợp tác
Hằng năm, H&M đều hợp tác với một thương hiệu cao cấp để cho ra mắt BST đặc biệt. Nếu BST này không "cháy hàng" hoàn toàn thì một tuần sau đó, phần còn lại sẽ được giảm giá và đây là thời điểm vàng để bạn ghé thăm cửa hàng, nhỡ đâu lại vớ được đồ đẹp giá hời. Ngoài ra, thỉnh thoảng, thương hiệu ngẫu hứng giảm giá đến 30% cho các khách hàng online…
8. Thời gian lý tưởng nhất để mua đồ tại H&M
Không nói đến mùa giảm giá, thời điểm mua sắm khôn ngoan nhất tại cửa hàng H&M là vào thứ 2 và thứ 5 vì đây là 2 ngày nhập hàng mới. Đối với mua sắm online thì thứ 5 cũng là ngày tuyệt nhất bởi cứ 8g sáng thứ 5, hàng sẽ được bổ sung vào kho.
Phong Anh (Tổng hợp)