Chủ tịch Tập Cận Bình vừa có chuyến thị sát trong nước đầu tiên kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang vào tháng này.

Thông điệp trong chuyến thị sát của ông Tập Cận Bình

21/05/2019, 17:17

Chủ tịch Tập Cận Bình vừa có chuyến thị sát trong nước đầu tiên kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang vào tháng này.

Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa) thăm công ty đất hiếm Kim Lực - Ảnh: Tân Hoa Xã

Nhà lãnh đạo đến thăm công ty khai thác và chế biến đất hiếm Kim Lực (JL Mag) ở thị trấn Cám Châu thuộc tỉnh Giang Tây. Ông còn viếng đài tưởng niệm tại huyện Vu Đô (thị trấn Cám Châu) nơi đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu cuộc Vạn lý trường chinh 85 năm trước.

Tháp tùng Chủ tịch Tập là Phó thủ tướng Lưu Hạc – cố vấn thân cận nhận trọng trách dẫn dắt nỗ lực đàm phán thương mại với Mỹ.

Giới truyền thông không đưa tin nhiều, cũng chẳng nhắc đến chiến tranh thương mại. Tuy vậy một số nhà phân tích nhận định chuyến đi này gửi đi thông điệp về quyết tâm của Trung Quốc giữa lúc tình hình bế tắc.

Vạn lý trường chinh là cuộc rút lui quân sự của Hồng quân Trung Quốc (tiền thân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc) kéo dài từ 1934 - 1936, nhằm tránh nguy cơ bị lực lượng Quốc dân Đảng tiêu diệt. Hình ảnh hàng nghìn người hành quân qua nhiều nơi địa hình hiểm trở trong cuộc trường chinh lẫn chiến thắng trước Quốc dân đảng sau này được xem như biểu tượng cho sự đoàn kết cùng vượt qua thách thức.

Nhà nghiên cứu Trần Đạo Ngân làm việc tại Thượng Hải cho biết Vạn lý trường chinh có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì vậy động thái viếng khu tưởng niệm Vu Đô của Chủ tịch Tập gửi đi thông điệp phải bền bỉ vượt khó.

“Chúng ta cần chuẩn bị cho khả năng đối đầu kinh tế Mỹ - Trung kéo dài”, theo nhà nghiên cứu Trần.

Ông Tập cùng đội ngũ quan chức tháp tùng viếng đài tưởng niệm Vu Đô - Ảnh: Tân Hoa Xã

Giáo sư Kerry Brown đến từ đại học King (London) lưu ý việc cùng đi thị sát với Phó thủ tướng Lưu thể hiện sự ủng hộ mà Chủ tịch Tập dành cho quan chức này. Ông đánh giá đây là một động thái phục vụ mục đích tuyên truyền, nhằm cho người dân thấy rằng họ có thể vượt qua tình hình hiện tại.

Điểm đáng lưu ý nữa là thăm công ty đất hiếm – các loại khoáng sản đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghệ.

Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới. Đất hiếm thuộc số ít hàng hóa chưa bị Mỹ áp thuế.

Giáo sư quan hệ quốc tế Kim Sán Vinh tại đại học Nhân dân vào tuần trước đề xuất cấm xuất khẩu đất hiếm như biện pháp trả đũa thuế quan Mỹ, bên cạnh đáp trả bằng thuế.

Chính quyền Bắc Kinh từng cắt giảm 40% hạn ngạch xuất khẩu vào năm 2010. Khiếu nại của Mỹ, Nhật Bản cùng Liên minh châu Âu (EU) lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đem lại một phán quyết chống lại Trung Quốc, nhưng phải đến năm 2015 họ mới dỡ bỏ hạn ngạch.

Đồng nghiệp của giáo sư Kim là giáo sư Thời Ân Hoằng tỏ ý không đồng ý. Chuyên gia này nhận định cấm xuất khẩu đất hiếm đem lại tác động chẳng đáng kể.

Theo nhà nghiên cứu Arthur Kroeber thuộc Công ty Gavekal Dragonomics, Mỹ - Trung sẽ không đạt thỏa thuận thương mại trước cuối năm. Chính quyền Washington dự kiến gia tăng áp lực bằng biện pháp hạn chế đầu tư, kiểm soát xuất khẩu, giới hạn cấp thị thực cho công dân Trung Quốc.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Bài liên quan
Ông Tập Cận Bình kêu gọi phát triển không gian mạng mang tính 'bao trùm' khi rạn nứt Trung - Mỹ ngày càng lớn
Trong bài phát biểu qua video tại Hội nghị Internet thế giới thường niên, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi phát triển không gian mạng mang tính “bao trùm” khi những rạn nứt giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thông điệp trong chuyến thị sát của ông Tập Cận Bình