Đội Quản lý thị trường số 24 (Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra và thu giữ lô hàng 10.000 bánh trung thu nhập lậu với mức giá siêu rẻ tại một cửa hàng buôn bán nông sản ở La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường cho biết, Đội Quản lý thị trường số 24 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ lô hàng bánh trung thu nhập lậu với mức giá siêu rẻ tại một cửa hàng buôn bán nông sản ở La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Toàn bộ lô hàng vi phạm với hơn 10.000 sản phẩm gồm bánh trứng, bánh nướng, bánh dẻo, tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Hàng mới được nhập về trong đêm nên vẫn còn nguyên trong các bao tải, nhãn mác cho thấy các loại bánh này đều nhập từ "bên kia biên giới" và không có thông tin về hạn sử dụng.
Theo lời khai nhận, mỗi chiếc bánh nhập về có giá từ 2.000 - 3.000 đồng nhưng không có cơ quan nào kiểm tra, giám sát về chất lượng của lô hàng này.
Lực lượng chức năng tiến hành thu giữ toàn bộ số hàng trên và xử lý theo quy định của pháp luật.
Ở miền Bắc có một số địa điểm được coi là “tổ” của việc sản xuất và tiêu thụ hàng giả như La Phù ở Hoài Đức, Thổ Trang ở Vĩnh Phúc. Những điểm đen này đã hoạt động hàng chục năm nay và cung cấp hàng đi khắp cả nước.
Nói với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công Thương) đồng ý với nhận định trênvà cho biết, các cơ sở này vẫn hàng ngày hoạt động nhộn nhịp như không hề có chính quyền địa phương, công an, quản lý thị trường làm nhiệm vụ ở đó.
“Phải chăng đó là sự bật đèn xanh bảo kê cho những việc làm phi pháp ngang nhiên vi phạm quyền lợi người tiêu dùng mà không bị xử lý đến nơi đến chốn? Hàng gian, hàng giả còn xuất hiện lẻ tẻ một số siêu thị mà công tác quản trị doanh nghiệp yếu”, ông Phúnói.
Theo ông Phú, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ những hành động bán hàng thiếu lương tâm chính là bà con vùng sâu, vùng xa, bà con nghèo, ít hiểu biết về hàng hóa. “Việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng không những ảnh hưởng đến tiền bạc, sức khỏe, quỹ thời gian mà còn làm cho người tiêu dùng lúng túng rất khó bấu víu vào đâu để khiếu nại, giải quyết”, ông Phú nhấn mạnh.
Về giải pháp, theo ông Phú trước hết cần phải có sự nhận thức đầy đủ, tự giác về vai trò của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay để có những giải pháp thích đáng và hiệu quả. Cần phải tổ chức sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm sản xuất trong nước, kiểm tra chặt chẽ hàng nhập khẩu. Thành lập các chuỗi sản xuất phân phối để quản lý chất lượng và giá cả vừa có lợi nhuận hợp lý cho người sản xuất và giá bán cho người tiêu dùng.
Song song đó là việc xây dựng mới, bổ sung sửa đổi các luật quy định có liên quan nhằm thiết lập một kỷ luật thị trường nghiêm minh; đi đôi với việc xây dựng với những tổ chức mạnh để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, không chỉ làm phong trào như các hiệp hội người tiêu dùng hiện nay. Hiện “họ không có quyền và không chịu trách nhiệm về những sự việc xảy ra trên thị trường”, ông Phú nhận xét.
Bên cạnh đó cần giao nhiệm vụ cho các chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo quản lý tốt hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm. Phải “hỗ trợ những cơ chế chính sách để sản xuất và xuất nhập khẩu phân phối hàng hóa an toàn trước mắt là những mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt, trứng, đường, rau, hoa quả, thuốc chữa bệnh thiết yếu, sau đó có thể nhân rộng tiếp ra các mặt hàng khác khi đó điều kiện”.
Một nhiệm vụ khác nữa là cần hỗ trợ phát triển các hệ thống sản xuất hàng hóa sạch, hàng hóa hữu cơ, khuyến khích phát triển các hệ thống siêu thị, làm ăn nghiêm túc, có thương hiệu, nâng cấp các chợ truyền thống, đủ sức cạnh tranh ngay ở thị trường nội địa. Từ đó tiến tới mua bán hàng hóa trên thị trường, tất cả đều phải có hóa đơn chứng từ, QR codeđể truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tiện cho việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Lam Thanh