“Phải xác định, ta chấp nhận mãi gia công hay tăng hàm lượng Việt Nam trong chuỗi giá trị? Trong việc thu hút FDI, phải đánh giá nghiêm túc ở mọi khâu, đồng thời loại trừ được tham nhũng thì mới tránh được chuyện lựa 'quy trình' để “con voi chui lọt lỗ kim”, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhấn mạnh.
Băn khoăn hiệu quả FDI
Văn phòng FDI Intelligencethuộc tạp chí The Financial Times (FT) cho biết, Việt Nam 2 năm liền dẫn đầu danh sách các nước thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) trong nhóm các thị trường mới nổi.
Cụ thể, Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia thu hút FDI (6,45 điểm), tiếp theo là Hungary (4,32 điểm) và Romania (3,48 điểm). Văn phòng FDI Intelligence nhận định Việt Nam có được kết quả này là nhờ nỗ lực cải thiện sức hấp dẫn của nền kinh tế trong con mắt nhà đầu tư suốt nhiều năm.
Điều này không quá bất ngờ bởi những năm gần đây, lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng trưởng khá nhanh và FDI vẫn chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20.8.2016, cả nước có 1.619 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 14,3 tỉ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng ấn tượng của FDI có đi cùng hiệu quả kinh tế hay không lại là câu chuyện khác.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, về bản chất, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào nước ta nhằm mục đích thu lợi nhuận và mở rộng thị phần. Đây là mục đíchlành mạnh của những nhà đâu tư ở bất cứ đâu, nhưng vấn đề là nhà nước phải có giải pháp để hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp ngoại với lợi ích của quốc gia.
Theo ông Trinh, việc sản xuất của khu vực FDI ở Việt Nam hiện nay không lan tỏa nhiều đến các khu vực khác và họ cũng không đưa công nghệ mới vào sản xuất. Nhiều doanh nghiệpFDI cũng đang lợi dụng các ưu đãi của Việt Nam về chính sách thuế, đất đai và lợi dụng nhân công giá rẻ và gian lận về thuế (khai lợi nhuận nhỏ đi do chuyển giá... làm tăng chi phí đầu vào).
Hơn nữa, vị chuyên gia này cho biết, hầu hết máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu… dùng cho sản xuất của khu vực FDI chủ yếu phải nhập khẩu, rồi sau đó lại phục vụ cho xuất khẩu (xuất khẩu củakhu vực này chiếm tới 70% tổng xuất khẩu của Việt Nam). Những mặt hàng xuất khẩu như điện tử, máy tính, linh kiện điện tử... lại mang nặng tính lắp ráp gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, hiệu quả thu về cho nền kinh tế cũng không nhiều.
Luồng vốn đầu tư từ khu vực FDI được kỳ vọng tạo tăng trưởng cho Việt Nam, tuy nhiên, theo ông Bùi Trinh, tăng trưởng về quy mô cũng như về số lượng của chỉ tiêu GDP cũng không phản ánh được đầy đủ bức tranh của nền kinh tế.Ví dụ, doanh nghiệp FDI hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trên một năm thì toàn bộ phần giá trị gia tăng của doanh nghiệp đó được tính vào GDP của Việt Nam. Chẳng hạn như doanh nghiệp FDI chuyên về khai thác tài nguyên họ sẽ chuyển phần lợi nhuận về nước họ nhưng vẫn được thể hiện trong GDP của Việt Nam.
Lo ngại về môi trường
Không chỉ là vấn đề tăng trưởng, đằng sau con số FDI ngày một lớn là những lo ngại liên quan đến môi trường, tài nguyên. Những lo ngại này không còn là dự báo, mà đã phần nào thành hiện thực.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, cơ chế thu hút FDI của Việt Nam chưa tính toán đầy đủ các chi phí cơ hội về môi trường.
“Không thể phủ nhận vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài, song chúng ta cũng cần tỉnh táo để đánh giá xem rằng các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam có phải vì môi trường đầu tư hấp dẫn, vì những lợi thế so sánh của đất nước do chúng ta tạo ra hay vì những lý do khác?” – Bộ trưởng Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đặt câu hỏirằng tại sao FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực giá rẻ, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm…?
“Có phải do các quy chuẩn về bảo vệ môi trường của nước ta chưa theo kịp với các yêu cầu, diễn biến mới của quá trình hội nhập? Việc đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng chưa chú trọng đúng mức tới công tác kiểm tra, giám sát? Phải chăng lợi ích mà FDI mang lại cho chúng ta không đủ bù đắp những phí tổn về khí hậu và môi trường đang diễn ra?”, Bộ trưởng tiếp tục.
Ông Trần Hồng Hà cho rằngđã đến lúc phải xây dựng chỉ tiêu “GDP xanh” trong đánh giá tăng trưởng kinh tế thay vì khái niệm GDP đơn thuần như hiện nay, theo đó phải tính toán đến cả các chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế.
Chuyên gia kinh tếBùi Trinh cũng thẳng thắn nóirằng, FDI đi kèm công nghệ lạc hậu với khai thác tài nguyên thì vừa mất tài nguyên vừa hủy hoại môi trường, điều này mãi mà không giải quyết được. Chỉ nên chấp nhận vốn FDI đi kèm công nghệ cao, nâng cao năng suất lao động chứ không thể thu hút tràn lan.
“Chúng ta cần phải xác địnhchấp nhận mãi làm gia công hay cần tăng hàm lượng Việt Nam trong chuỗi giá trị? Từ đó đưa ra những điều kiện trong việc thu hút FDI. Bất cứ doanh nghiệp FDI nào đều phải đánh giá nghiêm túc ở mọi khâu. Và cuối cùng vẫn là vấn đề tham nhũng, không loại trừ được tham nhũng thì vẫn có thể tạo cớ và lựa “quy trình” để “con voi chui lọt lỗ kim”, ông Trinh nhấn mạnh.
Trí Lâm