Dù tín dụng có mức tăng trưởng tốt, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng rất khả quan nhưng việc xử lý nợ xấu không hề đơn giản. Khối lượng lớn nợ xấu còn đè nặng lên chi phí trích lập dự phòng tại các ngân hàng trong nửa cuối năm nay. Việc xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục là thách thức lớn của các ngân hàng thương mại nói riêng và cả ngành ngân hàng nói chung trong thời gian tới.

Nợ xấu phình to bào mòn lợi nhuận ngân hàng

DDVN | 20/08/2016, 14:40

Dù tín dụng có mức tăng trưởng tốt, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng rất khả quan nhưng việc xử lý nợ xấu không hề đơn giản. Khối lượng lớn nợ xấu còn đè nặng lên chi phí trích lập dự phòng tại các ngân hàng trong nửa cuối năm nay. Việc xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục là thách thức lớn của các ngân hàng thương mại nói riêng và cả ngành ngân hàng nói chung trong thời gian tới.

Nợ xấu tăng mạnh

Theo báo cáo tài chính vừa được các ngân hàng công bố, nợ xấu trong 6 tháng đầu năm 2016 đã có dấu hiệu tăng mạnh. Cụ thể, 11 ngân hàng hiện đang “ôm” hơn 48.882 tỉ đồng nợ xấu. Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỉ lệ nợ xấu đã tăng từ 1,6% vào cuối 2015 lên 2% vào thời điểm cuối tháng 6. Mức tăng này tương ứng với hơn 3.000 tỉ đồng nợ xấu đội thêm. Đây là ngân hàng đang có tổng số nợ xấu cao nhất.

Tương tự, tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tỉ lệ nợ xấu cũng tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, từ mức 1,85% cuối năm 2015 đã tăng lên 2,83% nửa đầu năm 2016. Mức tăng đột biến phải kể đến Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), từ tỉ lệ 1,86% cuối 2015 đã tăng tới 5,3% vào cuối quý 2/2016. Eximbank hiện có tới 4.285 tỉ đồng nợ xấu, chiếm 5,3% trên tổng dư nợ. Con số này tăng đột biến so với tỉ lệ nợ xấu chưa đến 2% tại thời điểm cuối năm 2015.

Trong 3 nhóm nợ xấu thì nợ dưới chuẩn của Eximbank là 2.415 tỉ đồng, chiếm hơn một nửa tổng nợ xấu và tăng gấp 13 lần thời điểm đầu năm. Nợ nghi ngờ đã tăng 34,8% lên 797 tỉ đồng và nợ có khả năng mất vốn cũng tăng tương đương, lên 1.073 tỉ đồng. Trong khi đó, tại một số ngân hàng, dù tỉ lệ nợ xấu có chuyển biến tích cực về giá trị tương đối, song lại gia tăng về con số tuyệt đối. Điều này không chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng thương mại nhỏ mà còn hiện diện ở những “ông lớn” ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt. Theo đó, nợ xấu tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) mặc dù vẫn duy trì ở mức 0,9%, thế nhưng số tiền đã tăng từ 4.911 tỉ đồng lên 5.366 tỉ đồng.

Hay tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm đáng kể từ 1,84% xuống còn 1,74%, song xét về số tuyệt đối đã tăng thêm 334 tỉ đồng so với đầu năm. Tại Ngân hàng Á Châu (ACB), tỉ lệ nợ xấu giảm từ 1,31% tại thời điểm đầu năm xuống còn 1,24% tính đến cuối tháng 6.2016, bù lại nợ có khả năng mất vốn lại tăng 26% so với thời điểm đầu năm, vào khoảng hơn 1.338 tỉ đồng. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM cho biết, tính đến cuối tháng 7, nợ xấu của thành phố là 3,98%, giảm nhẹ so với đầu năm 2016 nhưng vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, nếu trừ đi nợ xấu của chi nhánh thuộc 3 “ngân hàng 0 đồng” (gồm Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu) thì thành phố chỉ còn 2,01% nợ xấu.

"Ăn mòn" lợi nhuận do trích lập dự phòng

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng tăng cao trong nửa đầu năm 2016 bên cạnh yếu tố “mô-típ” từ năm 2010 đến nay (tỉ lệ nợ xấu báo cáo thường thấp vào cuối năm) thì đây có thể là hệ quả tất yếu của việc gia tăng tín dụng bất động sản trong năm 2015. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu đưa nợ xấu về mức 3% từ năm 2015 khiến áp lực bán nợ đã thực sự giảm bớt. Tuy nhiên, khối lượng lớn nợ xấu bán bằng trái phiếu đặc biệt năm 2015 sẽ còn đè nặng lên chi phí trích lập dự phòng tại các ngân hàng trong nửa cuối năm nay, trừ một số ít các ngân hàng đã tích cực xử lý nợ trong quá khứ.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của nhiều ngân hàng, dù con số lợi nhuận đã lên tới hàng nghìn tỉ đồng, nhưng lợi nhuận vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng do trích lập chi phí dự phòng rủi ro lớn. Đơn cử, tại Eximbank, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro là 740 tỉ đồng, thế nhưng chi phí dự phòng rủi ro chiếm mất 661 tỉ đồng, chi phí hoạt động lên tới 1.198 tỉ đồng khiến cho lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ còn 79 tỉ đồng. Riêng quý 2/2016, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ đạt 48 tỉ đồng và sau thuế là 36 tỉ đồng.

Chính phủ lần đầu tiên đề cập thẳng thắn về nợ xấu

Đáng chú ý, trong báo cáo tại Quốc hội mới đây, lần đầu tiên Chính phủ đã thẳng thắn đề cập đến vấn đề nợ xấu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nợ xấu tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại khi việc xử lý chưa đi vào thực chất và gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua 241.000 tỉ đồng nợ xấu. Con số này thay đổi không đáng kể so với quy mô đã mua lũy kế đến cuối 2015. Như vậy, có nghĩa trong nửa đầu năm 2016, lượng nợ xấu được bán cho VAMC và lượngnợ xấu VAMC bán đi rất hạn chế.

Do không bán được cho VAMCthế nên nợ xấu đã gia tăng tại các ngân hàng thương mại. Để việc xử lý nợ xấu đi vào đúng thực chất, trong những tháng cuối năm, Chính phủ đặt mục tiêu sẽ tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Đồng thời, thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xử lý nợ xấu; xây dựng đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Điều này thể hiện Chính phủ đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng có tỉ lệ nợ xấu trên 3% phải báo cáo phương án xử lý nợ xấu trong năm 2016. Song song đó, kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, tránh để nợ xấu mới phát sinh và thực hiện các biện pháp tích cực trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Lãnh đạo NHNN khẳng định những tháng cuối năm, cơ quan này sẽ theo dõi sát tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng, cảnh báo kịp thời với những lĩnh vực tín dụng rủi ro như tín dụng bất động sản hoặc cơ cấu tín dụng vào tín dụng trung và dài hạn; mở rộng tín dụng nhưng vẫn hiệu quả và bảo đảm an toàn của hệ thống.

Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế đánh giá việc xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục là thách thức lớn của các ngân hàng thương mại nói riêng và cả ngành ngân hàng nói chung trong thời gian tới. Bởi lẽ, dù tín dụng có mức tăng trưởng tốt, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đều tăng ở các chỉ số nhưng việc xử lý nợ xấu là không hề đơn giản. Chưa kể, việc bán các khoản nợ cho VAMC thực chất chỉ “làm đẹp” bảng cân đối kế toán chứ chưa xử lý triệt để.

Thi Thanh / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nợ xấu phình to bào mòn lợi nhuận ngân hàng