Dù mất 12 thành viên trong Nội các bóng tối (shadow cabinet) chỉ trong ngày 26.6 nhưng lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn quyết không từ chức.
Ngày 27.6, sau khi hàng loạt thành viên trong Nội các bóng tối (Nội các của phe đối lập giám sát các thành viên nội các của chính phủ Anh) của Công đảng từ chức hoặc bị sa thải trong ngày 26.6, ông Jeremy Corbyn vẫn kiên quyết không từ chức và đưa ra danh sách những người thay thế các vị trí vừa trống.
Trước đó, cuối ngày 26.6 ông Corbyn tuyên bố rằng ông sẽ không "phản bội lại lòng tin" của những người đã bầu cho ông trở thành lãnh đạo Công đảng và thềsẽ chống lại bất cứ ai dám thách thức quyền lãnh đạo của ông.
Các nghị sĩ Công đảng đã đề nghị một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với ông Corbyn và đề xuất này dự kiến sẽ được cân nhắc trong cuộc họp của Nghị viện Công đảng (tập hợp các nghị sĩ trong Quốc hội Anh của đảng này) trong ngày 27.6. Cuộc họp này sẽ doông John Cryer Chủ tịch Nghị viện Công đảng chủ trì, ông Cryer sẽ quyết định xem có đưa ra bàn thảo về vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Corbyn hay không.
Nếu Nghị viện Công đảng thông qua, một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Corbyn sẽ được thực hiện trong ngày 28.6.
Cựu Bộ trưởng Giáo dục của phe đối lập Lucy Powell, người mới từ chức hôm 26.6 nhấn mạnh là cuộc từ chức hàng loạt của các thành viên nội các của phe đối lập không phải là một "kế hoạch đảo chính" chống lại ông Corbyn mà là hành động phản ứng với kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm 23.6.
Trả lời phỏng vấn với chương trình Today của BBC Radio 4 bà Powell nói rằng bà hy vọng ông Corbyn sẽ không "kéo dài thời điểm này lâu hơn cần thiết" và từ chức.
Các thành viên của Nội các của phe đối lập lần lượt từ chức sau khi ông Jeremy Corbyn sa thải Bộ trưởng Ngoại giao của phe đối lập ông Hilary Benn. Ông Corbyn sa thải ông Benn vì nghi ngờ ông Benn đang đứng ra kêu gọi một cuộc "lật đổ" lãnh đạo Công đảng.
Cũng giống như Thủ tướng David Cameron thuộc đảng Bảo thủ, người đã tuyên bố quyết định từ chức ngay sau kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được công bố, Công đảng cũng vận động để Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, ông Corbyn bị chỉ trích vì hành động không quyết đoán khi vận động cho chiến dịch "ở lại", đồng thời sức ép với thủ lĩnh Công đảng cũng tăng khi ông Carmeron từ chức.
Sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 23.6 với phần thắng thuộc về những người vận động phong trào Brexit đã khiến nước Anh rơi vào khủng hoảng trong vài ngày qua. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh làm đồng bảng Anh và các thị trường chứng khoán giảm giá sâu, tạo ra khoảng trống trong tầng lớp lãnh đạo khi nước này đối mặt với một tương lai không chắc chắn.
Thiên Hà (theo The Guardian)