Liên quan đến việc học sinh nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, đã có 63/63 tỉnh, thành phố cho phép học sinh nghỉ học kéo dài trong khoảng 2-3 tuần để tránh dịch.

Thu phí dạy học online: Cần sự chia sẻ từ các phụ huynh cho mỗi bài giảng của các thầy cô

Hải Yến | 17/03/2020, 12:20

Liên quan đến việc học sinh nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, đã có 63/63 tỉnh, thành phố cho phép học sinh nghỉ học kéo dài trong khoảng 2-3 tuần để tránh dịch.

Thu phí học online là dịch vụ thỏa thuận

Tuy nhiên, việc các học sinh nghỉ học dài ngày thì Bộ GD-ĐT đã khuyến khích các tỉnh, các trường tổ chức học trực tuyến cho các học sinh không bị quên kiến thức cũng như củng cố lại việc học cho các học sinh sau những ngày nghỉ dài. Điều khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, việc thu học phí đối với học sinh sẽ được thực hiện như thế nào, khi thời gian nghỉ học đã lên tới cả tháng. Cũng cần thông tin thêm là tuy học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, ở các trường công lập, giáo viên vẫn phải đến trường để chuẩn bị cho công tác dạy và học, dọn dẹp vệ sinh trường.

Giải đáp băn khoăn này, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ GD-ĐT thông tin cho biết: Vấn đề thu học phí thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và ngoài quốc dân. Các trường ngoài công lập thực hiện việc thu học phí theo thỏa thuận từ trước với phụ huynh học sinh. Các trường này, ngoài học phí thì còn có những khoản thu khác nữa, thì việc thực hiện các khoản thu phải được thông báo công khai ngay từ đầu năm học, khóa học cho từng năm và cả lộ trình.

Việc thu phí để dạy và học online trong các nhà trường gần như chưa có tiền lệ, và đây là dịch vụ thỏa thuận, tuy nhiên, các trường và phụ huynh cần có sự thỏa thuận với nhau trên cơ sở chi phí hợp lý nhất.

Cần lưu ý rằng các dịch vụ dạy học trực tuyến trong thời điểm này là để tránh tình trạng học sinh nghỉ học quá dài do tình thế khách quan là nghỉ chống dịch, do đó, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh đây là các hoạt động ngoài kế hoạch và chương trình, các nhà trường phải căn cứ nội dung, khối lượng công việc để xây dựng tính toán mức thu hợp lý thu đủ bù chi cho các dịch vụ chứ không thể thu theo học phí, đồng thời phải thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh trước khi triển khai.

Đưa ra quan điểm của mình về việc có nên đóng học phí khi học sinh học online hay không, một chuyên gia giáo dục hiện có con đang học tại trường liên cấp Newton cho biết: "Chuyện chia sẻ khó khăn với nhà trường để đảm bảo vượt qua khó khăn trong lúc này là việc nên làm, nhất là đối với những trường tư. Thầy cô giáo vẫn dành thời gian soạn bài, dạy học vẫn được trả lương chứ nếu nhà nước hỗ trợ thì không nói.Vì nếukhông nộp tiền, không có lương thì các thầy cô nhịn đói để dạy học sinh à? Chưa kể các thầy cô đã xây dựng hơn 2.000 bài giảng online để hướng dẫn học sinh. Mà theo mình thấy dạy online thời gian đầu vất vả hơn cả offline. Thời gian này học sinh nghỉ khác hẳn với nghỉ hè, nếu là nghỉ hè thì cả thầy cô và các con đều nghỉ và nếu giáo viên không nhận lương cũng là bình thường. Còn bây giờ giáo viên vẫn làm việc thì phụ huynh cũng nên đóng góp để trả lương cho họ”.

Trả lời về vấn đề này, luật sư Lương Thành Đạt (Công ty Luật Vì chân lý Themis) giải thích, theo quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép". Do đó, trong thời gian học sinh nghỉ học, trường học vẫn phải thanh toán tiền lương cho người lao động và các chi phí khác. Do vậy, nhà trường không phải chịu trách nhiệm bồi hoàn lại khoản học phí đã thu. Trừ trường hợp trong quy chế, nội quy nhà trường hoặc các cam kết giữa nhà trường và phụ huynh học sinh quy định khác" - luật sư Lương Thành Đạt chia sẻ.

TS. Lê Viết Khuyến cho rằng học online cần được Bộ GD-ĐT công nhận và các nhà kinh tế giáo dục họ sẽ phải tính toán thu phí bao nhiêu là đủ

Cân đối để thu - chi khi học sinh nghỉ dài vì dịch COVID-19

Theo ghi nhận tại nhiều trường phổ thông ngoài công lập ở Hà Nội, học sinh được nghỉ nhà trường vẫn hoạt động, giáo viên tổ chức biên soạn bài tập, hướng dẫn học sinh tự học ở nhà... Cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường vẫn trực, vệ sinh, khử trùng lớp học, trường học. Thời gian học sinh nghỉ học, nhà trường vẫn phải trả lương cho giáo viên, nhân viên và bảo vệ, phần kinh phí này thường được trích từ học phí. Ngoài mong sự thấu hiểu của phụ huynh chia sẻ kinh phí trong khoảng thời gian này, các trường cũng lên kế hoạch cân đối thu - chi để giảm học phí cho học sinh từ 25 - 50% của tháng này nếu học online.

Tại trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đã tổ chức dạy học trực tuyến cả ở môn thể dục. Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành là một trong số ít trường kiên trì tổ chức dạy học trực tuyến đúng theo thời khóa biểu. Học sinh có mặt vào 7 giờ sáng để điểm danh qua mạng và trong suốt giờ học phải liên tục tương tác, trả lời câu hỏi của giáo viên.

Theo như chia sẻ của bà Nguyễn Thu Anh - hiệu trưởng trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành cho biết: "Việc học trực tuyến sẽ xác định cho học sinh ý thức học tập mỗi ngày. Với học sinh trung học thì việc nỗ lực vượt khó, tự giác, trách nhiệm trong việc thực hiện từ xa các yêu cầu của nhà trường cũng là một phẩm chất cần được bồi đắp".

Tuy nhiên, ý thức triển khai học trực tuyến của các trường là vậy, nhưng Sở GD-ĐT Hà Nội lại ra văn bản yêu cầu các trường không thu thêm bất cứ khoản tiền nào của học sinh, phụ huynh khi học online. Việc làm này sẽ gây ra khó khăn cho các trường khi chính các trường vẫn phải trả lương cho giáo viên, trả tiền trang thiết bị, bài giảng.... nhưng lại không được thu học phí online, vậy chi phí này sẽ phải lấy ở đâu ra?

Trả lời về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến - trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho biết hiệp hội đã có 3 văn bản kiến nghị về việc cần thiết công nhận các hình thức dạy học từ xa, trong đó có dạy học trực tuyến. Với thực tế hiện nay, việc công nhận, khích lệ các trường triển khai giúp việc dạy học không bị đứt đoạn hoàn toàn.

Theo ông Khuyến, với học sinh phổ thông, việc nghỉ học dài ngày sẽ để lại những hệ lụy rất lớn, chính vì thế khi Bộ GD-ĐT đồng ý tổ chức lớp học online thì các trường đã xây dựng các bài giảng online cho học sinh học tập. "Đừng so sánh việc dạy từ xa, dạy trực tuyến với dạy học truyền thống tại trường để thấy nó không bằng, rồi cấm hết. Cần so sánh dạy từ xa với không dạy gì cả. Việc khắc phục khó khăn dạy học từ xa, mức độ đạt được có thể cao, thấp khác nhau nhưng chắc chắn là hơn không dạy gì cả" - TS Lê Viết Khuyến nói. Theo ông Khuyến, nơi nào dạy học trực tuyến tốt Bộ GD-ĐT nên công nhận. Những nơi không có điều kiện dạy trực tuyến thì nên tổ chức dạy học qua truyền hình kiến thức cơ bản, kết hợp với các hình thức kiểm soát, đánh giá học sinh gián tiếp theo từng trường, từng lớp.

Khi các trường đã xây dựng hàng ngàn bài giảng online cho các học sinh, vậy kinh phí này, nhà trường phải chi trả, nếu phụ huynh không chia sẻ kinh phí cùng nhà trường thì rất khó để các trường tiếp tục dạy học online theo hình thức kiểm tra và bổ sung kiến thức. Theo ý kiến các chuyên gia của Hiệp hội Các trường đại học - cao đẳng ngoài công lập thì Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT không nên can thiệp vào tài chính của các trường ngoài công lập, vì quyền tự chủ tài chính là của nhà trường, miễn đảm bảo được khung chương trình mà Bộ GD-ĐT đưa ra, đáp ứng được chất lượng giáo dục của ngành.

Cũng đồng quan điểm với các chuyên gia giáo dục khác,ông Đào Nam Sơn - nguyên Nghiên cứu viên chính của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng dù học sinh có nghỉ học nhưng thầy cô vẫn đến trường, vẫn phải chăm lo dạy các cháu gián tiếp qua mạng, vẫn ra bài tập, vẫn chấm bài và bao nhiêu việc khác nữa trong phòng chống dịch bệnh.

Dịch bệnh trước sau cũng bị dập tắt, các cháu sẽ trở lại trường với những lỗ hổng về kiến thức tất nhiên phải bù đắp. Nền nếp và thói quen học tập của các cháu sau một thời gian nghỉ tương đối dài cũng phải hình thành và xây dựng lại. Các thầy cô sẽ phải làm việc với một cường độ gấp rất nhiều lần.

Thời gian học có thể tính đếm được, còn tâm sức bỏ ra cho các cháu thì không thể tính đếm được. Vì vậy, ông Sơn đề nghị việc miễn hay giảm học phí vì học sinh nghỉ học để tránh dịch bệnh lây lan là không nên, chỉ nên ngừng thu các chi phí mà học sinh không sử dụng như tiền ăn, tiền điện, tiền xe đưa đón, chi phí trông trẻ ngoài giờ.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu phí dạy học online: Cần sự chia sẻ từ các phụ huynh cho mỗi bài giảng của các thầy cô