Ngày 20.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với TP.Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế-xã hội 3 tháng đầu năm và 9 tháng cuối năm.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, Hà Nội dự báo và xây dựng một số kịch bản cho các tình huống cụ thể để đạt mục tiêu cao nhất như kế hoạch đề ra của năm nay, đó là tăng trưởng 7,5%.
Kịch bản thứ nhất, kết thúc giãn cách toàn xã hội vào 22.4 hoặc 3.5 năm nay, các hoạt động của nền kinh tế được tháo gỡ từng bước và hoạt động bình thường vào đầu tháng 7.2020.
Kịch bản thứ hai là dịch bệnh COVID-19 cơ bản được khống chế trong quý 2 nhưng vẫn có nguy cơ lây lan đến hết năm 2020 do dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực chưa được kiểm soát nên việc khôi phục kinh tế và các hoạt động xã hội chưa thể ở mức bình thường mà chỉ duy trì ở mức tối thiểu.
Kịch bản thứ ba là dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan với tốc độ cao trong quý 2 không thể kiểm soát mặc dù đã thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nên kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung kiến nghị, để bảo đảm nguồn lực triển khai các dự án đầu tư công, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội về quyết định hỗ trợ ngân sách Trung ương cho ngân sách Thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi theo quy định tại Điều 21 Luật Thủ đô; nâng tỷ lệ ngân sách Thành phố được giữ lại hiện nay là 35% lên thành 42% cho thời kỳ ổn định ngân sách mới (2021-2025) để bảo đảm nguồn lực phát triển Thủ đô.
Ngoài ra, Thành phố kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất. Cho phép thành phố Hà Nội thực hiện rà soát, lựa chọn danh mục một số công trình cấp bách, cần thiết trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và có tác động lan tỏa trong việc phát triển kinh tế xã hội thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, ùn tắc giao thông.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng biểu dương Hà Nội đã nỗ lực, làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua. Tuy vậy, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề, đó là cần tiếp tục đề cao cảnh giác trong phòng chống COVID-19, không thể chủ quan. Do ảnh hưởng của dịch, các chỉ tiêu của Hà Nội đều thấp hơn so với cùng kỳ, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành kế hoạch năm 2020.
Thủ tướng cho biết, tiến độ thi công một số công trình còn chậm, ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn, mà theo báo cáo của Hà Nội, còn 50.000 tỉ đồng chưa giải ngân được. Đặc biệt, quý 1, huy động vốn xã hội chưa đạt kế hoạch. Trong khi vốn là một kênh tăng trưởng, Hà Nội cần quan tâm vấn đề này.
Thủ tướng cho rằng Hà Nội cần tìm nguồn lực xã hội, đây là vấn đề quan trọng nhất, cùng với việc phát triển hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường tiêu dùng của các hộ gia đình. Cùng với đó, Hà Nội phải khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong điều kiện khác nhau trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi, “thuận lợi có, khó khăn có, để không rơi vào tình thế bị động”.
Thủ tướng đề nghị Hà Nội giải quyết nhiều tồn tại như ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới.
Đối với vấn đề dự án 8B Lê Trực, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư, cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong.
Về công trình đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung giải quyết dứt điểm, có cơ chế tạm ứng, thanh toán, hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. Bộ Giao thông vận tải bàn với đối tác xử lý dứt điểm trước tháng 6.2020. Tồn tại nữa cần khẩn trưởng xử lý dứt điểm là vấn đề mương Phan Kế Bính.
Nhấn mạnh việc giải quyết những tồn tại và đồng thời tập trung phương hướng, nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2020, Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông về Thủ đô ta, nên Thủ đô ta phải phấn đấu để trở thành một thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
Lưu ý việc bảo đảm nước sạch cho người dân với giá phù hợp, Thủ tướng cho biết, đã yêu cầu Chủ tịch các tỉnh có văn bản giảm giá nước để hỗ trợ người dân, giống như ngành viễn thông đã hỗ trợ giảm giá với tổng số tiền 15.000 tỉ đồng, ngành điện là 12.000 tỉ đồng.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ, với thành phố đông dân như Hà Nội thì vấn đề tập trung hàng đầu vẫn là phải phòng, chống dịch COVID-19. Việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, giãn cách xã hội và các giải pháp khác cùng những quy định trong Chỉ thị 16 là vấn đề sống còn của Hà Nội, cũng là góp phần cho cả nước.
Về vấn đề hỗ trợ an sinh xã hội, Phó thủ tướng Thường trực đề nghị sớm triển khai nhanh, công khai, minh bạch các gói hỗ trợ về an sinh xã hội giúp cho người dân tiếp cận tốt, không để tình trạng xin-cho, tham nhũng, tiêu cực. Cũng cần hỗ trợ nhanh cho các doanh nghiệp qua các gói giãn nộp thuế, tiền thuê đất, cơ cấu lại nợ vay, giảm phí, giảm lãi...
Phó thủ tướng Thường trực cho rằng, Hà Nội tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp và rà soát môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính quyết liệt, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao…
Lam Thanh