Thủ tướng nêu rõ, mầm bệnh xuất phát từ bên ngoài cho thấy những sơ hở trong kiểm soát, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cách ly và sau cách ly.

Thủ tướng: Mầm bệnh từ bên ngoài cho thấy có những sơ hở trong quản lý

Lam Thanh | 18/05/2021, 12:04

Thủ tướng nêu rõ, mầm bệnh xuất phát từ bên ngoài cho thấy những sơ hở trong kiểm soát, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cách ly và sau cách ly.

Cơ bản kiểm soát được dịch

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19 và công tác nhập khẩu, sản xuất, tiêm vắc xin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đợt dịch này có khả năng kéo dài hơn, diện rộng, có nhiều ổ dịch, biến thể mới của vi rút lây nhanh hơn.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

“Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, việc thực hiện mục tiêu kép không thay đổi. Các khu vực nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nếu không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch phải kiên quyết dừng hoạt động cho đến khi khắc phục xong.

Thủ tướng chỉ đạo các địa phương giãn cách xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh chứ không phải thực hiện tràn lan, trong một xã có thể chỉ giãn cách một vài thôn, một huyện có một vài xã, trong một tỉnh có một vài huyện”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu.

Bộ Tài chính cho biết vừa có văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nguồn kinh phí, cơ chế mua sắm đối với phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho biết đã tăng cường lực lượng, trang thiết bị hỗ trợ cho các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, như điều động nhiều xe xét nghiệm, các tổ lấy mẫu xét nghiệm, từ chiều ngày 16.5 tới sáng 17.5 đã giúp các địa phương này lấy 3.000 mẫu, xét nghiệm 600 mẫu…

Trên tuyến biên giới, các lực lượng thường xuyên duy trì hơn 1.800 tổ chốt, với gần 12.000 cán bộ, chiến sĩ; các lực lượng được tăng cường phương tiện quan sát, kịp thời phát hiện hàng nghìn trường hợp nhập cảnh trái phép.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ đã yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp, nhất là tại các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các giải pháp, chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Bà cũng cho biết thêm thông tin từ tập đoàn Samsung, ngoài các quy định chung, tổ hợp Samsung Bắc Ninh còn có thêm các quy chế nội bộ về phòng chống dịch và vẫn đang duy trì tốt việc sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch năm 2021.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết các tỉnh đang có dịch là Bắc Ninh, Bắc Giang và một phần Hà Nội cơ bản đang kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, đối với một phần Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang vẫn có nguy cơ rất cao do chủng mới đã lây nhiễm vào khu công nghiệp. Phó thủ tướng cũng khẳng định, việc kết thúc năm học 2020-2021 có thể diễn ra bình thường.

“Tất cả các quy định, hướng dẫn đã có đầy đủ, vấn đề là thực hiện, đặc biệt là chuẩn bị nhân lực, vật lực ngay khi dịch bệnh chưa xuất hiện. Điều quan trọng nhất rút ra khi chống dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang những ngày qua là trong tình huống cần xét nghiệm một số lượng người rất lớn trong các khu công nghiệp trong thời gian ngắn nhất thì cần chuẩn bị đầy đủ máy móc, thiết bị, sinh phẩm, đội ngũ lấy mẫu”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đến giờ phút này, chúng ta cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên cả nước. Các tỉnh có dịch cũng đang từng bước kiểm soát. Các ổ dịch rõ nguồn lây đều kiểm soát được và chưa phát hiện ổ dịch mới không rõ nguồn lây. “Chúng ta phải khẳng định như vậy cho nhân dân yên tâm”.

Có những sơ hở trong quản lý

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, mầm bệnh xuất phát từ bên ngoài, cho thấy những sơ hở trong kiểm soát, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cách ly và sau cách ly.

Cùng với đó là sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và một bộ phận người dân. Phải kiểm điểm nghiêm túc việc tuân thủ các quy định, nguyên tắc hoạt động của tổ 5 người, xử lý các vi phạm. Một số quy định về quản lý nhà nước còn thiếu.

Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị cho “4 tại chỗ” chưa đầy đủ, nên khi dịch bệnh xảy ra gặp lúng túng, thiếu vật tư, sinh phẩm, nhân lực… Nếu các địa phương đã từng có dịch phản ứng rất nhanh như Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, thì một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa từng có dịch nên thiếu kinh nghiệm ứng phó.

Thủ tướng nhấn mạnh, công tác lãnh đạo, chỉ đạo rất đồng bộ, kịp thời, quyết liệt từ Trung ương tới địa phương, thể hiện ở việc dự báo trước được tình hình dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn sau kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5.

Từ giữa tháng 4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45 yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là và sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Các cơ quan, đặc biệt các cơ quan hành pháp, đã chỉ đạo, triển khai, thực hiện các giải pháp không kể “ngày, đêm, sớm, tối”.

thu-tuong-2.jpg
Thường trực Chính phủ họp - Ảnh: VGP

“Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ bản là tốt, phù hợp, đồng bộ, kịp thời, quyết liệt, bám sát tình hình, đúng hướng, không chủ quan, có khen có chê, phân công, phân cấp rõ ràng”, Thủ tướng khái quát.

Thủ tướng nhấn mạnh, sự vào cuộc của nhân dân có ý nghĩa chiến lược, quyết định với công tác phòng chống dịch. Trong dịch bệnh, tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tương thân tương ái, đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ, nơi không có dịch giúp nơi có dịch, người ngoài vùng cách ly giúp người trong vùng cách ly, hình thành các tổ COVID cộng đồng…

Rút kinh nghiệm chống dịch tại các khu công nghiệp

Thủ tướng nhấn mạnh, nguy cơ vẫn rất cao, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu nếu chúng ta chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc cùng với nhân dân bằng những biện pháp phù hợp, mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn, quyết liệt hơn thì mới có thể ngăn chặn được dịch bệnh.

Thủ tướng lưu ý phải tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch có hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm thành công cho cuộc bầu cử.

Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển trạng thái, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công. Phòng ngự tốt thì hỗ trợ tấn công tốt. Tấn công tốt sẽ thực hiện phòng ngự có hiệu quả.

Thủ tướng phân tích: Tấn công và phòng ngự chủ động là thực hiện tốt 5K+vắc xin, đây là tư tưởng chỉ đạo chung. Phòng dịch vẫn là cơ bản, quyết định, rất quan trọng; huy động các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân cho công tác xét nghiệm chủ động; thực hiện chiến lược vắc xin (tiếp cận mua bằng được vắc xin; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất phải phấn đấu để chủ động.

Tổ chức tiêm chủng cho hiệu quả, giải thích rõ khi có sự cố và phòng ngừa sự cố); tăng cường ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn, quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, tạo điều kiện cho người dân sử dụng thuận lợi những công nghệ sẵn có để hỗ trợ công tác khai báo y tế, truy vết, phát hiện, cách ly; tăng cường chuẩn bị thiết bị, trang bị, sinh phẩm y tế, dự trữ nguồn tài chính.

Tiếp tục phân công, phân cấp, thực hiện “4 tại chỗ” nghiêm túc. Trung ương lo quản lý vĩ mô, quản lý, đôn đốc, kiểm tra, lo tài chính tổng thể, các cân đối lớn.

Từ thực tiễn những ngày qua, Thủ tướng yêu cầu rút kinh nghiệm và có kịch bản phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp.

Đối với vấn đề giãn cách xã hội, Thủ tướng yêu cầu: “Giãn cách xã hội là biện pháp nhẹ nhàng nhất cho người chống dịch nhưng lại ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội, đời sống người dân. Sự linh hoạt, giỏi giang của người đứng đầu, của cấp ủy, chính quyền các cấp là xử lý hài hòa, hợp lý, đánh giá đúng tình hình, xử lý kịp thời, chính xác, hiệu quả và giải thích cho người dân hiểu rõ”.

Thủ tướng kết luận, qua 20 ngày chống dịch, chúng ta cần đánh giá đúng tình hình, đưa ra giải pháp phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần. Toàn bộ hệ thống chính trị, các bộ ngành Trung ương, địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, nếu chủ quan, lơ là thì hậu quả khôn lường. Một người lơ là, cả xã hội lao đao, vất vả.

Bài liên quan
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Mầm bệnh từ bên ngoài cho thấy có những sơ hở trong quản lý