“Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp, phát triển cây công nghiệp bằng thâm canh trên diện tích đã có”, Thủ tướng yêu cầu.
Ngày 7.7, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị giao ban với các tỉnh vùng Tây Nguyên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Tây Nguyên.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016 và cả giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh Tây Nguyên tăng cường xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương Tây Nguyên tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phục hồi rừng bền vững theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị bàn về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020 vàongày 20.6.
“Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp, phát triển cây công nghiệp bằng thâm canh trên diện tích đã có”,Thủ tướng yêu cầu.
Theo đó, cần tập trung chỉ đạo, tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp một số doanh nghiệp quản lý, sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, nhanh chóng triển khai quy hoạch phát triển thủy lợi; kiểm tra, rà soát, tu bổ và quản lý chặt chẽ an toàn hồ đập. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai, hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo tập trung hỗ trợ người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số khắc phục hậu quả của hạn hán, ổn định đời sống.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên vào ngày 20.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, diện tích rừng Tây Nguyên tiếp tục suy giảm nghiêm trọng, liên tục những năm gần đây cả về diện tích, trữ lượng, độ che phủ rừng với 41% diện tích rừng đã bị mất, chất lượng rừng còn lại rất kém là vấn đề hết sức đáng lo ngại.
“Tình trạng này gây nên mất đa dạng sinh học, đe dọa trực tiếp đến biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên. Nếu không chấn chỉnh, rừng Tây Nguyên sẽ kiệt quệ, hậu quả khôn lường là điều tất yếu sẽ xảy ra”, Thủ tướng nói.
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh. Không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, ông Cao Chí Công – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, việc suy giảm rừng ở Tây Nguyên được lý giải qua các nguyên nhân chính là do chuyển đổi rừng và phá rừng.
Cụ thể, hiện các địa phương trong vùng Tây Nguyên đã chuyển đổi 111.000 ha đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả; chuyển 37.800 ha đất rừng sang mục đích khác theo quy hoạch của địa phương (xây thủy điện, hạ tầng giao thông, công trình công cộng…). Còn lại có 122.900 ha là do phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Công, đóng cửa rừng là chính sách không mới và đã thực hiện từ lâu chứ không phải đến bây giờ. Việc đóng cửa rừng sẽ chấm dứt tình trạng khai thác rừng tự nhiên, tránh được việc lạm dụng để khai thác rừng trái phép.
Để thực hiện chủ trương đóng cửa rừng hiệu quả, bảo vệ và hồi phục rừng, theo ông Công, nhiệm vụ cần thiết là phải đấu tranh, ngăn ngừa các hành vi phá rừng. Nếu địa phương nào để xảy ra vi phạm thì người đứng đầu địa phươngphải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Trí Lâm