Tại Hội nghị trực tuyến về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung sáng 17.12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các địa phương cần tập trung cứu dân, tuyệt đối không để người dân phải chịu đói, bệnh tật.
Đợt mưa lũ từ giữa tháng 10.2016 đến nay đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương; hơn 316.000 nhà bị ngập, hư hại; hơn 42.800 ha lúa, 39.000 ha hoa màu bịhư hại. Tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỉ đồng, nâng tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính về kinh phí là trên 37.650 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD);làm 235 người chết và mất tích.
Riêng đợt mưa lũ từ ngày 12.12 đến ngày 16.12 đã làm 15 người chết, mất tích (Thừa Thiên Huế: 3 người chết;Bình Định:6 người chết, 5 người mất tích; Khánh Hòa: 1 người chết); 127 nhà bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng; 111.851 nhà bị ngập nước; 848 con gia súc,49.937 con gia cầm bị chết; 10.059 ha lúa bị ngập, hư hại và nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi.
Trước thiệt hại do mưa lũ, nhiều tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thuốc khử trùng, cây, con giống… Kinh phí hỗ trợ khắc phục cấp bách về hạ tầng, giao thông, thủy lợi ước tính 1.282 tỉ đồng.
Một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong trận mua lũ này là tỉnh Bình Định. Do đó, tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ cấp ngay thức ăn chế biến sẵn để cứu trợ vì người dân không thể tiếp tục ăn mì ăn liền và cũng không có gì để nấu mì. Tỉnh Bình Định cũng đề nghị Chính phủ cấp ngay 1.000 cơ số thuốc để phòng, chống dịch bệnh và sách vở cho 50.000 học sinh.
Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong bản tin dự báo mưa lũ của mình, lần đầu tiên dùng cụm từ “lũ đặc biệt lớn”. Nguyên nhân của đợt mưa lũ những ngày qua là do không khí lạnh kết hợp nhiễu động đới gió đông. Trung tâm dự báo, mùa bão năm nay kết thúc muộn. Khả năng tháng 12 có thể còn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền các tỉnh Trung bộ và Nam bộ.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người chết trong mưa lũ, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ứng phó, cứu trợ kịp thời khu vực đang chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ, không được để thiệt hại tiếp xảy ra.
Thủ tướng yêu cầu tập trung cứu dân, tuyệt đối không được người dân nào đói, khát và bệnh tật. Các địa phương đặc biệt chú ý, nước rút đến đâu cần chỉ đạo làm tốt công tác dọn vệ sinh đến đó, tránh nguy cơ phát sinh dịch bệnh do mưa lũ.
“Bây giờ nước chưa rút hẳn ở nhiều nơi nên việc thứ nhất là ứng phó, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, không để dân bị đói, bị rét, dịch bệnh. Nước rút đến đâu vệ sinh môi trường tới đó. Đặc biệt là bảo đảm an toàn các hồ đập, bảo vệ tốt các di sản văn hóa ở các địa phương” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão ở Trung ương và địa phương phải huy động các lực lượng như đoàn viên, thanh niên, hội viên ở những vùng ít bị thiên tai đến hỗ trợ vùng thiên tai nặng, giúp người dân dựng lại nhà cửa, không để người dân lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”.
Cùng với đó là tập trung phục hồi cơ sở hạ tầng, bảo đảm giao thông đi lại bình thường, phục hồi sản xuất, chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ đông xuân mới để bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân năm 2017.
Ở các địa phương phải đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện, an toàn, xử lý ngay các hạ tầng quan trọng bị hư hỏng. Đồng thời, các địa phương cần tập hợp thiệt hại gửi lên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sau đó báo cáo lên Chính phủ với những đề xuất cụ thể. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương với từng nhiệm vụ được phân công cụ thể cần khẩn trương xuống các địa phương bị thiệt hại mưa lũ để có những hỗ trợ, chỉ đạo khắc phục kịp thời.
Thủ tướng cho rằng cần phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong những lúc khó khăn và phát huy tinh thần phòng chống lũ với phương châm 4 tại chỗ vì nước ta là nước luôn phải chống chọi với thiên tai:
"Tôi thấy tấm gương cô giáo ở Phú Yên thà chết chứ không để học sinh chết, đó là tấm gương sáng chúng ta cần học tập" - Thủ tướng nói.
Hoàng Long