Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch COVID-19 phức tạp.

Thủ tướng yêu cầu 10 bộ trưởng tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, kinh doanh

Lam Thanh | 15/08/2021, 06:50

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch COVID-19 phức tạp.

Công điện gửi bộ trưởng 10 bộ gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ.

Công điện nêu rõ, kết quả rà soát kiến nghị của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nêu cụ thể những vướng mắc, khó khăn do các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế thuộc các lĩnh vực quan trọng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp liên quan đến 79 Luật, 3 Nghị quyết của Quốc hội, 188 Nghị định, 20 Quyết định của Thủ tướng và 135 Thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ.

tt.jpg
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, kinh doanh

Qua tổng hợp, rà soát của Văn phòng Chính phủ có một số nội dung cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay để tháo gỡ vướng mắc quy định trong 29 Luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 bộ.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các "điểm nghẽn", huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực cho công tác rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung cao nhất, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung ngay các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, thuế, phí, xây dựng... quy định tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 bộ trên.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 7 Luật: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật PPP.

Bộ Tài chính có 6 luật: Luật Ngân sách nhà nước, Luật phí, lệ phí, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Dự trữ quốc gia.

Bộ Công Thương có 1 luật là Luật Điện lực; Bộ Tài nguyên và Môi trường có 2 luật: Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường; Bộ Xây dựng có 5 luật: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật kiến trúc.

Bộ Giao thông vận tải có 2 luật: Luật Đường sắt, Luật Hàng không Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Luật Lâm nghiệp; Bộ Thông tin và Truyền thông có Luật Giao dịch điện tử. Bộ Tư pháp có 2 luật: Luật Công chứng, Luật Đấu giá tài sản; Bộ Nội vụ có 2 luật là Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, bổ sung trong Đề nghị xây dựng luật sửa đổi các luật trước ngày 22.8.2021. Bộ Tư pháp trình Chính phủ trước ngày 30.8.2021 để trình Quốc hội khóa 15 tại kỳ họp thứ hai (tháng 10.2021) cho ý kiến về dự án luật này.

Đối với các kiến nghị còn lại của địa phương về việc sửa đổi, bổ sung quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ gửi các bộ, cơ quan ngang bộ để tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền. Nhiệm vụ này hoàn thành trong quý 3/2021.

Các bộ, cơ quan ngang bộ gửi báo cáo kết quả thực hiện đến Bộ Tư pháp trước ngày 5.10.2021 (trong đó nêu rõ những nội dung đã đề xuất sửa đổi, bổ sung; đối với những nội dung không sửa đổi, bổ sung phải giải trình rõ lý do không sửa đổi) để Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trước ngày 15.10.2021.

Bài liên quan
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng yêu cầu 10 bộ trưởng tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, kinh doanh