Việc điều chuyển hàng hóa để giảm sự ùn tắc là hoạt động cần phải thực hiện nhanh, vì vậy các thủ tục trong dự thảo cần được thiết kế tinh gọn, thuận lợi.

VCCI góp ý về giải pháp tháo gỡ ùn tắc hàng hóa tại cảng biển

Lam Thanh | 14/08/2021, 12:01

Việc điều chuyển hàng hóa để giảm sự ùn tắc là hoạt động cần phải thực hiện nhanh, vì vậy các thủ tục trong dự thảo cần được thiết kế tinh gọn, thuận lợi.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý về dự thảo Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội.

Hiện tại, việc ùn tắc tại cảng biển Cát Lái khá nghiêm trọng do ảnh hưởng của việc thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Việc này ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động giao nhận hàng hóa của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hoạt động vận chuyển hàng hóa, hoạt động tiếp nhận hàng hóa nhập khẩu tại cảng… tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, việc Bộ Tài chính soạn thảo thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển là hết sức cần thiết.

cat-lai.jpg
Hàng hóa ùn tắc tại cảng Cát Lái - Ảnh: Báo Thanh Niên

Theo quy định tại khoản 1 điều 3 của dự thảo thì “sản lượng hàng nhập tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển” là một trong những cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển. VCCI cho rằng quy định này chưa đủ rõ để xác định tình trạng hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển.

Do đó, VCCI đề nghị ban soạn thảo thiết kế quy định này theo hướng: Sản lượng hàng nhập tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển, gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận hàng/giải phóng hàng từ cảng và hoặc hoạt động khai thác cảng.

Khoản 2 điều 3 dự thảo quy định văn bản của doanh nghiệp kinh doanh cảng biển về việc sản lượng hàng tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển phải được cảng vụ hàng hải xác nhận. Tuy nhiên, dự thảo lại không có quy định về trình tự, thủ tục để doanh nghiệp có được sự xác nhận này.

Theo VCCI, việc điều chuyển hàng hóa để giảm tải ùn tắc là hoạt động cần phải thực hiện nhanh, vì vậy các thủ tục trong dự thảo cần được thiết kế tinh gọn, thuận lợi để đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động này.

VCCI đề nghị ban soạn thảo thiết kế theo hướng cho phép doanh nghiệp kinh doanh cảng biển tự chịu trách nhiệm trong việc xác định sản lượng hàng tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển và thông báo tới cảng vụ hàng hải mà không cần phải có sự xác nhận của đơn vị này.

Phương án khác được VCCI đề nghị là doanh nghiệp gửi thông báo về việc ùn tắc. Trong khoảng thời gian 2 giờ làm việc cảng vụ phải xác nhận, quá thời hạn này nếu không có ý kiến phản hồi thì được coi là xác nhận.

Điểm b khoản 1 điều 5 dự thảo quy định doanh nghiệp kinh doanh cảng biển nơi hàng hóa vận chuyển đi “chỉ được thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu khi có sự chấp thuận của hãng tàu/đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng và kế hoạch vận chuyển hàng hóa đã được chi cục hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi phê duyệt”.

Khoản 1 điều 6 dự thảo quy định hãng tàu/đại lý hãng tàu có trách nhiệm “tiếp nhận danh sách hàng hóa dự kiến vận chuyển đi do doanh nghiệp cảng biển gửi đến và phải phản hồi cho doanh nghiệp kinh doanh cảng biển trong thời hạn không quá 2 giờ kể từ khi nhận được danh sách hàng hóa dự kiến vận chuyển đi”.

VCCI cho rằng các quy định trên chưa rõ ở các điểm: Chi phí vận chuyển hàng hóa nhập khẩu do bên nào chi trả? Hai bên (doanh nghiệp cảng biển và hãng tàu/đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng) có được thỏa thuận về vấn đề này trong quá trình để đạt được “sự chấp thuận của hãng tàu/đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng” hay không?

Điểm e khoản 1 điều 5 dự thảo quy định doanh nghiệp cảng biển “trong thời hạn 5 ngày làm việc sau thời gian thực hiện thông tư này, báo cáo quyết toán tình hình thực hiện việc vận chuyển hàng hóa”.

Theo VCCI, quy định này không rõ ở thời điểm phải thực hiện báo cáo quyết toán tình hình, bởi vì “sau thời gian thực hiện thông tư này” là không biết thời gian nào? Doanh nghiệp có phải báo cáo cho chi cục hải quan nơi hàng đi hay nơi hàng đến?

Về trách nhiệm của chủ hàng, theo quy định tại dự thảo thì chủ hàng sẽ là một trong các chủ thể chấp thuận việc thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu quy định tại điểm b khoản 1 điều 5. Các chủ thể có liên quan đến vận chuyển hàng (doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, hãng tàu/đại lý hãng tàu, chi cục hải quan) đều được quy định về trách nhiệm, trong khi đó chủ hàng thì ngoài quy định trên không có quy định nào liên quan đến chủ thể này.

VCCI đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định liên quan đến chủ hàng trong việc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu.

Cũng theo VCCI, mẫu số 01 phụ lục dự thảo đang được thiết kế dưới dạng văn bản giấy. VCCI cho rằng việc này có thể kéo dài thời gian thực hiện thủ tục thông báo.

Đồng thời, theo VCCI, mẫu 01 yêu cầu chữ ký của 3 bên: doanh nghiệp, hải quan nơi đi, hải quan nơi đến là chưa phù hợp. Lý do là theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 5 thì doanh nghiệp chỉ phải xin phê duyệt thông báo kế hoạch này tại chi cục hải quan nơi đi, còn chi cục hải quan nơi đến chỉ tiếp nhận thông báo mà không phải phê duyệt.

“Việc trong mẫu có cả hai chữ ký của chi cục hải quan nơi đến và đi có thể đưa đến cách hiểu doanh nghiệp phải chờ chi cục hải quan hai nơi phê duyệt mới được triển khai việc vận chuyển”, VCCI nêu.

Do đó, để đảm bảo tính thống nhất và hợp lý, VCCI đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định điện tử hóa mẫu 01 và bỏ phần chữ ký của chi cục hải quan nơi đến.

Bài liên quan
Ba nhóm giải pháp xử lý tình trạng hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã khẩn trương chủ trì cuộc họp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các đơn vị liên quan về việc xử lý hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái, đã thống nhất 3 nhóm giải pháp chính.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VCCI góp ý về giải pháp tháo gỡ ùn tắc hàng hóa tại cảng biển