Phó Thống đốc NHNN cho biết vừa qua có thông tin về việc NHNN đưa ra gói hỗ trợ 20.500 tỉ đồng. “Tôi xin đính chính là không có gói này, chủ yếu là các NHTM công bố lãi suất sẽ giảm và bằng các phương pháp giảm khác nhau, tùy theo điều kiện của mỗi ngân hàng”.

Phó thống đốc Đào Minh Tú: NHNN không có gói hỗ trợ 20.500 tỉ đồng

Lam Thanh | 11/08/2021, 20:50

Phó Thống đốc NHNN cho biết vừa qua có thông tin về việc NHNN đưa ra gói hỗ trợ 20.500 tỉ đồng. “Tôi xin đính chính là không có gói này, chủ yếu là các NHTM công bố lãi suất sẽ giảm và bằng các phương pháp giảm khác nhau, tùy theo điều kiện của mỗi ngân hàng”.

Chuẩn bị có gói hỗ trợ doanh nghiệp

Trả lời báo chí về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 11.8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, các chính sách của năm 2020 được Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện là gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm các khoản thuế phí, lệ phí.

Dự kiến trong năm 2021, khoản hỗ trợ là 118.000 tỉ đồng. Ngoài ra, theo nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định một số giải pháp khác.

nguyen-duc-chi.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi - Ảnh: VGP

Cụ thể là tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ (dự kiến có doanh thu dưới 200 tỉ đồng); giảm các loại thuế phải nộp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh hàng quán với mọi hình thức khai nộp thuế (dự kiến là sẽ giảm 50%).

Giảm thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như GTVT, kinh doanh lưu trú, du lịch; miễn tiền chậm nộp thuế cho người nộp thuế gặp khó khăn; giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn.

Tổng giá trị ước tính của gói hỗ trợ tiếp theo mà Bộ Tài chính đang đề xuất là trên 20.000 tỉ đồng.

Về tiến độ triển khai, Bộ Tài chính đang lấy và tổng hợp các ý kiến để báo cáo các bộ, ngành liên quan, tổng hợp để báo cáo Chính phủ, đảm bảo trong phiên họp gần nhất của UBTVQH, Chính phủ sẽ trình để UBTVQH xem xét, quyết định theo thẩm quyền và theo Nghị quyết của Quốc hội.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, về lãi suất của các doanh nghiệp, ngay từ khi bùng phát dịch bệnh, NHNN đã chỉ đạo các NHTM hạ các mức lãi suất. Trong năm 2020, NHNN đã hạ lãi suất điều hành và các NHTM thì hạ lãi suất cho vay. Mức giảm trung bình khoảng 1,2-1,5% trong năm 2020 so với mức lãi suất trước đó. 7 tháng đầu năm 2021, lãi suất đã giảm thêm khoảng 0,5% nữa.

Theo ông Tú, Hiệp hội Ngân hàng (16 ngân hàng thương mại) có quy mô lớn nhất đã nhất trí và cam kết sẽ tiếp tục giảm lãi suất tiếp cho các nhóm đối tượng trên tinh thần "khó khăn ít thì giảm ít, khó khăn nhiều thì giảm nhiều". Các NHTM đã cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm thêm lãi suất gần 20.500 tỉ đồng.

“Vừa qua có thông tin về việc NHNN đưa ra gói hỗ trợ 20.500 tỉ đồng. Tôi xin đính chính là không có gói này, chủ yếu là các NHTM công bố lãi suất sẽ giảm và bằng các phương pháp giảm khác nhau, tùy theo quy mô điều kiện của mỗi ngân hàng”, ông Tú nói.

dao-minh-tu.jpg
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú - Ảnh: VGP

Ngoài ra, theo ông Tú, 4 NHTM có vốn nhà nước gồm: Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank đã đồng thuận và nhất trí sẽ giảm lãi suất vay thêm mỗi ngân hàng khoảng 1.000 tỉ đồng. Tổng cộng 4 ngân hàng sẽ giảm thêm 4.000 tỉ đồng cho một số địa phương như TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16 hiện nay. Đây đều là những nơi đang rất khó khăn nên sẽ tập trung giảm thêm.

Tuy nhiên, ông Tú cho rằng để đảm bảo cho việc giảm lãi suất một cách thực chất cũng như việc tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp của các doanh nghiệp thì NHNN sẽ tiếp tục tăng cường việc giám sát việc giảm lãi suất này của các NHTM, đảm bảo từ nay đến cuối năm các cam kết này được thực hiện.

"Hy vọng rằng dịch bệnh sớm kết thúc và việc khôi phục nền kinh tế thông qua việc tăng cường năng lực về nguồn lực cho doanh nghiệp để phục hồi sẽ là vấn đề mà NHNN ưu tiên trong thời gian sắp tới", ông Tú nói.

Tha thiết mong các địa phương tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết Bộ GTVT đã có các văn bản gửi UBND các địa phương thực hiện đồng loạt một số giải pháp chủ yếu để tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.

Cụ thể là không thực hiện kiểm tra tại các chốt kiểm soát, trên tất cả các tuyến đường đối với các phương tiện đã được cấp mã QR do ngành giao thông cấp. Phương tiện vận chuyển hàng hóa nào chưa được cấp mã QR, lái xe phải trình giấy xét nghiệm kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong 72 tiếng.

Chỉ thực hiện hậu kiểm tại các điểm bốc xếp hàng hóa và đề nghị các địa phương cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định này. Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xem xét ưu tiên tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 cho đội ngũ lái xe vận tải, các phụ xe, công nhân bốc xếp hàng hóa.

Đồng thời Bộ GTVT cũng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị chuyên ngành của Bộ công bố đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong việc lưu thông hàng hóa; đảm bảo không xảy ra tình trạng ùn tắc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nêu rằng, dù Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều văn bản về việc tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa thiết yếu, nhưng trên thực tế, nhiều địa phương áp dụng các quy định khác nhau. Điều này gây ra khó khăn trong lưu thông hàng hóa và sản xuất công nghiệp vì nguyên liệu phục vụ sản xuất bị ách tắc.

doc-thang-hai.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Ảnh: VGP

Theo ông Hải, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Bộ Công Thương đã có văn bản trao đổi với Bộ Y tế, Bộ GTVT, các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa nhưng chưa khắc phục được hoàn toàn tình trạng này.

Bộ Công Thương cũng đề nghị tất cả hàng hóa đều được lưu thông bình thường (trừ danh mục hàng hóa cấm lưu thông). Chính phủ đã hành động rất quyết liệt khi chỉ 2 ngày sau, ngày 29.7, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có văn bản chỉ đạo trên cơ sở đồng ý với ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương.

“Hiện nay vẫn còn hiện tượng tài xế gặp khó khăn khi lưu thông qua một số chốt kiểm dịch tại một số địa phương. Chúng tôi tha thiết mong muốn và đề nghị các địa phương bên cạnh việc tập trung kiểm soát dịch bệnh cũng cần thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ yêu cầu. Đó là "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế" bằng việc tạo điều kiện cho hàng hóa, nguyên liệu sản xuất lưu thông thuận lợi, nhanh chóng”, ông Hải nêu.

Bài liên quan
Cựu Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói ‘không đòi hỏi lợi ích vật chất từ Xuyên Việt Oil’
Khai báo tại tòa, bị cáo Đỗ Thắng Hải cho biết bản thân không tác động và không đòi hỏi lợi ích vật chất từ phía Công ty Xuyên Việt Oil.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó thống đốc Đào Minh Tú: NHNN không có gói hỗ trợ 20.500 tỉ đồng