Nhiều doanh nghiệp (DN) kêu khó vì chủ trương ‘3 tại chỗ’ và kiến nghị nên gấp rút tiêm vắc xin để “cứu” DN khỏi khó khăn này.
Chi thêm tiền tỉ mỗi ngày là chuyện thường
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú (Cà Mau) – DN xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam, tính rằng, từ khi áp dụng chủ trương “3 tại chỗ” và “2 cung đường, 1 điểm đến” từ cuối tháng 7 tới nay, mỗi ngày Minh Phú phải chi thêm bình quân 1.173.120.000 đồng, chưa tính tiền lương bắt buộc phải trả đủ.
Ông Quang tính toán, hiện Cà Mau có 2.000 công nhân và 1.000 cán bộ còn làm việc. Còn ở Minh Phú - Hậu Giang hiện vẫn còn 1.200 công nhân và 1.000 cán bộ điều hành sản xuất. (Nếu đi làm đủ thì Cà Mau có 7.000 người, Hậu Giang có 6.000 người).
Theo tính toán sơ bộ, hiện Minh Phú phải chi thêm chi phí cho 1 người là 225.600 đồng/ngày. Trong đó, tiền ăn 52.000 đồng, khách sạn 103.600 đồng, tiền xe đưa rước 20.000 đồng và tiền hỗ trợ 50.000 đồng/ngày. Chi phí này chưa tính đến tiền xét nghiệm cho hàng ngàn công nhân!
Từ cuối tháng 7.2021 đến nay, khi thực hiện giãn cách nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú phải thuê khách sạn 5 sao Mường Thanh, 5 khách sạn khác và 1 trường mầm non để làm nơi ở cho công nhân ở trong thời gian này.
"Chúng tôi phải thuê như vậy, chấp nhận chi phí cao để duy trì sản xuất theo quy định, nhưng vẫn không đủ chỗ cho 2.000 công nhân ở Cà Mau. Bởi nếu đóng cửa nhà máy thiệt hại còn nặng hơn", ông Lê Văn Quang cho biết.
Bởi đặc thù của các phân xưởng sản xuất, Minh Phú không thể bố trí cho công nhân ăn nghỉ tại chỗ. Trong khi các khu nhà trọ giá rẻ đã hết, nhưng nếu có cũng khó thuê. Bởi mỗi khu nhà trọ chỉ đáp ứng chỗ ở cho vài chục công nhân, không thể để xe rước ở nhiều chỗ vì phải đảm bảo “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Theo TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN, Sóc Trăng), khi xây dựng nhà xưởng không DN nào có khu lưu trú trong khuôn viên. Chỗ ngủ nghỉ khi thực thi “3 tại chỗ” là tận dụng khoảng trống trong nhà xưởng, nhà kho, văn phòng… nên không thể có nhiều chỗ và có thể chịu đựng lâu dài.
Ông Quang nói, Minh Phú phải duy trì sản xuất vì các hợp đồng đã ký, vì nguồn sống của công nhân và cũng để lo đầu ra cho người nuôi tôm. “Nhưng nếu tình hình này kéo dài, thì không cần đến cuối năm, DN cũng phá sản”, ông Quang ngán ngẫm.
Do đó, ông Quang kiến nghị khẩn cấp: “Tôi mong vắc xin Nanocovax được cấp phép khẩn cấp, thì hết tháng 9.2021 sẽ đủ vắc xin tiêm cho 70% người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Khi đó, dự kiến đến hết tháng 11.2021 cũng sẽ tiêm hết cho người dân Việt Nam từ 12 tuổi trở lên.
Đồng thời, tôi cũng mong có chủ trương mới cho DN được thực hiện 7K + 3T. Đó là, 7K bao gồm: “Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh” và 3T là: "Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc””.
VASEP từng “kêu cứu”
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP) cũng từng gửi công văn đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nêu rõ. “Thực tế hiện nay chỉ khoảng 30% DN đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ”.
Các DN không đủ điều kiện thực hiện đã ngừng sản xuất, dẫn đến một số hệ lụy như nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, mất khách hàng, rủi ro không huy động được công nhân sau giãn cách. Với những nhà máy thực hiện được thì số công nhân huy động cũng chỉ đạt 30-50%, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.
Dẫn đến công suất chế biến toàn vùng giảm chỉ còn 30-40% (VASEP có 270 DN hội viên, chủ yếu ở ĐBSCL và các tỉnh Nam Trung Bộ)… Dự tính nguồn nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt 20-30%”.
Do đó, VASEP kiến nghị nên ưu tiên tiêm vaccine cho các công nhân chế biến thủy sản, để giữ thị trường, giữ việc làm cho công nhân và người khai thác biển, nuôi trồng. Quan trọng nhất là cũng để giữ vùng nguyên liệu.
VASEP cũng cho rằng nên để DN tự xét nghiệm cho công nhân để tiết giảm chi phí với sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế. Phải làm sao để mẫu xét nghiệm của DN được công nhận - áp dụng trong lưu thông và giao dịch. Nôm na là để DN được thực hiện “Y tế tại chỗ”.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 có báo cáo kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 100% công nhân nhà máy chế biến thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm và trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp.
Công văn này cũng cho biết, hiện nay đã có đến 21 nhà máy chế biến thủy sản phát hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong nhà máy, chỉ có 82 doanh nghiệp duy trì được sản xuất “3 tại chỗ”, 103 nhà máy chế biến thủy sản phải đóng cửa vì không đảm bảo điều kiện phòng dịch khi sản xuất.