Nhiều người biết ông Trần Trinh Huy - công tử Bạc Liêu với câu ca “Đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu” cộng với việc ăn chơi hoang phí để cuối đời sự nghiệp Trần Gia tan hoang. Tuy nhiên, Ba Huy đã để lại cho Bạc Liêu một di sản mà không tỉnh thành nào có được “Thương hiệu Công tử Bạc Liêu”
Cách nay 2 năm, tôi có dịp ghé thăm Bạc Liêu lần thứ 2. Lần này đi du lịch nên tôi có thời gian thư thả hơn tìm hiểu về sự giàu có và sự phá sản của gia đình đại địa chủ Việt Nam. Qua thuyết minh của cô hướng dẫn viên du lịch, sự giàu có của cụ Trần Trinh Trạch quá sức tưởng tượng. Thời đó gia đình cụ giàu có đạt đến mức mà ở Việt Nam cùng thời khó ai có thể giàu hơn. Ngay cả chính quyền thực dân cũng phải nể trọng vì cụ đã có tài sản “cống hiến” cho nước “Đại Pháp” những năm kinh tế khó khăn 1929-1933. Trần gia có ruộng đất cò bay thẳng cánh từ Cà Mau đến Bạc Liêu đến Sóc Trăng ngày nay. Nhà văn Phan Trung Nghĩa trong Công tử bạc Liêu sự thật và huyền thoại có đoạn viết: “ Tất cả ruộng đất của Trần Trinh Trạch gồm 74 sở điền với 110.000 ha đất trồng lúa và 100.000 ha đất muối…” chỉ mấy dòng chữ thôi cũng đủ nói lên tầm cỡ của vị địa chủ này thời bấy giờ. Ngoài ra, ông Trần Trinh Trạch còn kinh doanh muối, kinh doanh xay xát lúa gạo, cầm đồ, cho vay nặng lãi với tá điền… tất cả các dịch vụ này cái nào cũng loại “ hốt bạc” . Tiền đẻ ra tiền, có tiền tạo ra quyền thế, bản thân ông đi lên từ “ kẻ ăn người ở của địa chủ”, nhờ được đi học tiếng Pháp nên có dịp ngoi lên trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Là người làm trong bộ máy của chế độ thực dân, ông có điều kiện để tham nhũng, có điều kiện để “khẩn hoang trên giấy” bằng cách xin cấp đất do nông dân khai phá và trở thành điền chủ nhỏ rồi từng bước thành đại địa chủ. Chính vì thế từ Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau, Cần Thơ, Sài Gòn, Vũng Tàu… ông đều có biệt thự sang trọng. Vào những năm 1930, kinh tế thế giới khủng hoảng, ông Trần Trinh Trạch đã ủng hộ nước Pháp một khoản tiền to, to đến mức nước Pháp tặng ông Trần Trinh Trạch mề đay ngũ đẳng bội tinh và ban tặng một thanh gươm gia bảo. Ông Trần Trinh Trạch được toàn quyền Đông Dương phong chức “đại biểu hội đồng tư vấn mật vụ viện”. Theo nhà văn Phan Trung Nghĩa, chức danh này ngang với Đại biểu Quốc hội thời bấy giờ.
Tượng bán thân còn thờ tại khách sạn Công tử Bạc Liêu. Ảnh: TL
Trần gia ngày nay tiêu tan sự nghiệp. Ghé thăm nhà lớn của cụ Trần Trinh Trạch người ta hay nói rằng “Thăm nhà công tử Bạc Liêu”. Điều đáng buồn và suy nghĩ: cả một cơ nghiệp đồ sộ như vậy mà ngày nay ông Trần Trinh Trạch chỉ còn lại hai bức tượng đồng của ông và vợ ông được một nghệ nhân người Thụy sĩ đúc vào năm 1929. Nhiều người hiện nay cho rằng, gia đình này suy sụp do một tay tiêu pha trác táng của công ty Bạc Liêu (?). Tuy nhiên, công tâm mà nói, có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến thời cuộc biến đổi, vì sau Cách Mạng Tháng Tám 1945, 90% đất đai của ông Trần Trinh Trạch đã được chính quyền nhân dân tịch thu chia lại cho nông dân. Gia đình ông có bảy người con nhưng không ai có khả năng phát huy được lợi thế tài sản của ông để hưng thịnh lên được, trong khi đó tiêu biểu sự ạn chơi trác táng là công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, còn gọi là “cậu Ba Huy”. Trần Trinh Huy sinh năm 1.900, mất năm 1973, đây là một người ăn chơi khét tiếng, đi tây học, có vợ đầm, về nước ăn chơi từ trẻ cho đến cuối đời, tiêu tiền như giấy… Về Bạc Liêu nghe nhiều giai thoại về “công tử Bạc Liêu Ba Huy”. Theo người Bạc Liêu kể lại, câu nói “công tử Bạc Liêu” là chỉ con trai nhà giàu Bạc Liêu ăn chơi “có tiếng”, tuy nhiên, khi xuất hiện "Công tử ba Huy" chơi trội nhất không ai sánh kịp thì gần như từ công tử Bạc Liêu là đã trở thành thương hiệu độc quyền của cậu Ba Huy.
Ba Huy là người thế nào? Theo nhà văn Phan Trung Nghĩa: "Trần Trinh Huy cao lớn (khoảng 1,7m), lực lưỡng nhưng không cục mịch, tướng tá rất thanh thoát, sang trọng. Ba Huy đậm người, da đen, tóc đen, sang trọng, đầy sinh lực, tính tình dễ dãi, hào phóng. Nói chuyện với người Pháp, ông tự nhiên xưng “toa, moa”, chơi với bạn bè thì khoáng đạt chẳng mưu toan gì. Trong giới giang hồ thời bấy giờ, Ba Huy là người “ngon” nhất Nam Bộ, còn trong giới thực dân Pháp, Ba Huy là người có uy tín vì có vợ đầm, cha có uy tín lớn và mướn người Pháp làm công cho mình.
Cậu Ba Huy thích nhất là chuyện trai gái, từ cô gái nhà nghèo ở trong điền có nhan sắc đến gái thượng lưu, khi lọt mắt xanh cậu Ba là khó thoát khỏi tay cậu. Tiêu tiền bao nhiêu không cần, chỉ biết là cậu Ba Huy đạt mục đính của mình là được. Bao nhiêu vợ và người tình, bao nhiêu con cho đến bây giờ chưa ai biết hết, chỉ biết rằng nhiều lắm. Ngoài trai gái, thì những cuộc vui thâu đêm suốt sáng từ rượu chè, trai gái, cậu Ba Huy còn là một tay bài nổi tiếng. Tương truyền cậy Ba Huy có lần đánh một ván bài tới 30.000 đồng, trong khi lúa chỉ có 1,7 đồng/giạ (1 giạ lúa 20 kg)….
Bên cạnh việc ăn chơi khét tiếng của công tử Bạc Liêu, ngày nay ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu thừa hưởng một thương hiệu có một không hai ở Việt Nam. Ai đến Bạc Liêu cũng muốn tham quan nhà công tử Bạc Liêu, muốn giải mã sự tò mò về “huyền thoại công tử Bạc Liêu” đó là một điều rất thú vị cho ngành du lịch nói riêng và tỉnh Bạc Liêu nói chung. Hiện nay, nói đến Bạc Liêu là người ta nghĩ ngay đây là xứ sở của “Công tử Bạc Liêu”. Đó là một thương hiệu có một không hai ở Việt Nam. Một thương hiệu độc đáo mà cậu Ba Huy đã để lại cho tỉnh Bạc Liêu.