Ngày 28.3, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai lập danh sách tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi từ đầu tháng 4.2022.

Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi: Vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng tình

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 29/03/2022, 10:22

Ngày 28.3, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai lập danh sách tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi từ đầu tháng 4.2022.

Về việc này, tại Hà Nội, nơi trẻ mầm non, học sinh tiểu học đến thời điểm này có gần trọn 1 năm đóng cổng trường, ở nhà học trực tuyến vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Để sẵn sàng tiêm chủng và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em thuộc lứa tuổi này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng tiêm chủng đến lịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế tại các văn bản trước đó. Theo Bộ Y tế, vắc xin tiêm cho nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi là vắc xin Moderna và Pfizer.

Đưa ra ý kiến của bản thân về việc có đồng ý cho con mình tiêm chủng vắc xin COVID-19 hay không, anh Nguyễn Thành Chung, có con đang học tại trường Tiểu học Dịch Vọng A (Cầu Giấy) cho biết nhà anh có 2 bé đang ở độ tuổi từ 5-11 tuổi, tuy nhiên có 1 cháu đã nhiễm COVID-19 nhưng khi nhiễm bệnh lại khá nhẹ và cháu cũng đã khỏi bệnh. "Thế nên tôi nghĩ các cháu nhỏ nhà tôi sẽ không tiêm vắc xin COVID-19 đợt này nữa, điều thứ nhất là sức khỏe của các cháu chưa ổn định và thứ 2 các cháu nếu không may có nhiễm bệnh thì gia đình cũng sẽ chăm sóc để cháu không bị nhiễm nặng. Chứ giờ tiêm vắc xin mà chưa biết những biến chứng về viêm cơ tim hay thay đổi nội tiết tố sẽ ảnh hưởng tới các cháu sau này. Nên gia đình lựa chọn không tiêm nhưng vẫn ủng hộ việc mở cửa trường học thời gian này vì Hà Nội mọi người nhiễm bệnh nhiều rồi".

Chị Nguyễn Thị Dung - hiệu trưởng một trường mầm non tại quận Đống Đa cho biết hơn 1 năm qua các trường đã đóng cửa vì không có học sinh, dù đã nỗ lực hết sức để kết nối trực tuyến tuy nhiên các học sinh mầm non thì hầu như không học sinh nào học trực tuyến cả nên các giáo viên cũng bị giảm thu nhập nhiều. Các thầy cô giáo cũng mong trường mở lại để có thể đón các học sinh.

Trên các diễn đàn dành cho các phụ huynh bậc mầm non và tiểu học, rất nhiều bố mẹ đã phản đối việc cho con mình tiêm chủng COVID-19 thời điểm này dành cho học sinh từ 5-11 tuổi. Và theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết hiện nay tỷ lệ trẻ mầm non, học sinh tiểu học mắc COVID-19 hiện khá cao, có nơi chiếm từ 30-40% số trẻ. Cũng như bậc mầm non, một số phụ huynh không đồng ý cho con tiêm phòng vắc xin là do lo ngại bị phản ứng, lo lắng về tác dụng phụ, con có bệnh nền, dị ứng hoặc trẻ đã mắc COVID-19 nên còn kháng thể, không muốn tiêm. Thậm chí có những ý kiến của các bậc phụ huynh chiếm tới gần 10% là cho con họ học online ở nhà để tránh lây nhiễm bệnh. "Đằng nào cũng đã gần một năm học trực tuyến và giờ vẫn nên học trực tuyến để kiểm tra cho thống nhất, tránh việc học thì online mà kiểm tra thì offline sẽ có độ chênh lệch nhất định trong xếp loại, đánh giá. Vì thế tôi cho rằng cứ học online, đánh giá online thêm một kỳ nữa cho an tâm trước khi học sinh đến trường" - chị Quách Hiệu ở quận Thanh Xuân có con đang học trường tiểu học Thanh Xuân cho hay.

Đây cũng chính là lo lắng chung của các bậc phụ huynh khi Bộ Y tế thông báo tiêm chủng cho lứa tuổi này để mở cửa trường học. Theo các chuyên gia cảnh báo tình trạng trẻ ở nhà lâu ngày có biểu hiện cáu bẳn, mệt mỏi, dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, nghiện trò chơi điện tử, thậm chí có cả những bé bị tự kỷ, tăng động nhẹ khi không đến trường học. 

Việc tiêm chủng COVID-19 hay việc cho học sinh đi học trực tiếp trở lại ở lứa tuổi tiểu học, khối lớp 6, mầm non... cũng đang là vấn đề cần quan tâm của phụ huynh. Và đa số quan điểm của phụ huynh là nếu Sở GD-ĐT hoặc Bộ Y tế yêu cầu tiêm chủng để đưa các con đi học thì cần đảm bảo sự an toàn nhất cho các học sinh. Nếu đi học trực tiếp, để đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh, các cơ sở giáo dục lại tính phương án dạy song song cả trực tiếp lẫn online. “Hiện cấp tiểu học và lớp 6 trên địa bàn vẫn dạy ổn định qua hình thức trực tuyến. Khi có văn bản của cấp trên về thay đổi hình thức học, các phòng GD-ĐT sẽ nhanh chóng chỉ đạo các trường thực hiện theo đúng quy định” - đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi: Vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng tình