Mặc dù thị trường năm 2016 đã chững lại so với một năm trước đó, thế nhưng dòng tiền đổ vào bất động sản vẫn tiếp tục tăng. Dự kiến, tín dụng vào thị trường bất động sản TP.HCM năm 2016 đạt hơn 150.000 tỉ đồng.
Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, tính đến hết tháng 11.2016, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt khoảng 14,57%, trong đó tăng trưởng tín dụng tiền đồng lên đến 15,81%. Dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 1.374.000 tỉ đồng, tăng khoảng 16,4%. Mức tăng trưởng này cao nhất cả nước và có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 từ 18-20%.
Trong số này, tín dụng vào thị trường bất động sản TP.HCM đạt khoảng 150.000 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 10,6% tổng dư nợ tín dụng của TP và chiếm tỷ lệ 35,2% tổng dư nợ tín dụng bất động sản cả nước (426.000 tỉ đồng).
So với năm 2015, mức tăng trưởng này cao hơn 14,2% và cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bất động sản của cả nước (đạt 8,5%). Nợ xấu bất động sản khoảng 2,6%, thấp hơn tỷ lệ nợ xấu bất động sản 3,93% của cả nước.
Đáng quan tâm là dư nợ vay tiêu dùng toàn TP với lãi suất khoảng 10%/năm được tín chấp hoặc có tài sản bảo đảm đạt khoảng 202.000 tỉ đồng, chiếm 14,7% tổng dư nợ, trong đó đã có khoảng 38% (tương đương hơn 70.000 tỉ đồng) cho vay để xây nhà, sửa chữa nhà. Khoản vay này cũng được giám sát chặt chẽ để sử dụng đúng mục đích vì người vay có thể chuyển tiền vay qua đầu tư bất động sản.
Không những vậy, lượng kiều hối hàng năm đổ về rất lớn, khoảng 10-13 tỉ USD/năm. Riêng TP.HCM có khả năng đạt được 5,7 tỉ USD trong năm 2016. Trong số đó, có khoảng 21% đầu tư vào thị trường bất động sản.
Ngoài ra, vốn FDI từ nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản thông qua các phương thức như mua lại cổ phần; hợp tác đầu tư trên từng dự án; cho vay đầu tư cũng tăng mạnh.
Trong các năm qua, thị trường bất động sản thường nằm trong top 3 hấp thụ nguồn vốn FDI. Cụ thể, năm 2014 đạt 21,92 tỉ USD, trong đó có 2,54 tỉ USD đổ vào bất động sản; năm 2015 đạt 24,1 tỉ USD, trong đó có 2,4 tỉ USD vào bất động sản; 11 tháng đầu năm 2016 đạt 18,1 tỉ USD, trong đó có 740,9 triệu USD vào bất động sản nhưng tỷ lệ giải ngân trong năm 2016 tăng mạnh hơn các năm trước, có thể đạt 16 tỉ USD.
Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng cho thấy nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm 10% tổng vốn FDI đăng ký trong năm 2016, có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2015 (11,5%). Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản năm 2016 dự kiến là 12,5%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2015 (28,3%).
Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng sử dụng cho mục đích bất động sản lại tăng mạnh. Cơ cấu tín dụng bất động sản tiếp tục xu hướng tăng tỷ trọng tín dụng đối với cầu bất động sản, giảm tỷ trọng đối với cung. Tỷ trọng tín dụng dành cho cầu là 62% và cho nguồn cung bất động sản là 38%.
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận định thị trường bất động sản năm 2017 sẽ có nhiều động lực để tăng trưởng song vẫn tiềm ẩn rủi ro. Cụ thể, đối với phân khúc trung bình và thấp sẽ có cơ hội tăng trưởng và giá nhà có thể tăng. Thế nhưng, giá phân khúc cao cấp sẽ chịu ảnh hưởng do nguồn cung được dự báo sẽ tăng nhẹ.
Thêm vào đó, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi mới được ban hành nên dự báo thị trường bất động sảncó thể sẽ đón nhận làn sóng đầu tư mạnh từ quốc tếvà Việt kiều.
Phan Diệu