Trong một thời gian dài, nhiều người dân ở xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho rất bức xúc trước tình trạng nguồn nước sinh hoạt tại đây “có vấn đề”, chất lượng chưa ổn định, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Tiền Giang: Người dân xã nông thôn mới 'kêu trời' vì chất lượng nước sinh hoạt

Mỹ Tho | 08/05/2023, 17:50

Trong một thời gian dài, nhiều người dân ở xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho rất bức xúc trước tình trạng nguồn nước sinh hoạt tại đây “có vấn đề”, chất lượng chưa ổn định, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Ông Trương Văn Nhung ở ấp Hội Gia (xã Mỹ Phong) cho biết, nguồn nước vòi (nước thủy cục) mà gia đình sử dụng thỉnh thoảng xuất hiện cặn, đục nên phải dự trữ nước mưa và mua nước bình lọc về ăn uống. Nước vòi chỉ sử dụng tắm gội, giặt rửa.

"Thật ra gia đình tôi chưa yên tâm về nguồn nước này, không biết có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không mà người cao tuổi bị bệnh hoài. Tôi đề nghị doanh nghiệp Thủy Nguyên khi cung cấp nước cho dân phải làm sao lọc cho đảm bảo sức khỏe. Dân kiến nghị hoài mà không thấy ai giải quyết".

z4326799124583_654a106c6d1754b268a6725ad3e5ab2a.jpg
Nước sinh hoạt của người dân ở xã Mỹ Phong chất lượng rất kém - Ảnh: Mỹ Tho

Còn bà Trần Thị Nga ở ấp Mỹ Hưng (xã Mỹ Phong) cũng cho biết: "Trước đây tôi phát hiện nguồn nước sinh hoạt từ trạm cấp nước có vấn đề như: đôi lúc trong nước có cặn, chất bã nhờn, phèn... nên chỉ sử dụng giặt rửa. Để nấu ăn, uống hằng ngày, tôi phải mua tủ lọc nước mini nhưng vẫn chưa an tâm lắm. Tôi đề nghị chính quyền, các ngành chức năng phải kiểm tra, kiểm nghiệm xem nguồn nước sinh hoạt tại địa phương có đạt chất lượng hay không; yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh nước phải khắc phục vấn đề tồn tại mà dân phản ánh".

z4326799119383_71127711246dd916b6681baaa6b66d41.jpg
Phiếu báo kết quả kiểm nghiệm chất lượng nước - Ảnh: Mỹ Tho

Qua tìm hiểu của PV, toàn xã Mỹ Phong có hơn 21.000 nhân khẩu; đa số người dân sử dụng nước sinh hoạt từ trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn (lấy nguồn nước ngầm xử lý) do doanh nghiệp tư nhân Thủy Nguyên (tại ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong) cung cấp hơn 10 năm qua với giá từ 7.500 - 8.500 đồng/mét khối. Thời gian qua, người dân địa phương này thường than phiền về nguồn nước sinh hoạt và có phản ánh đến chủ doanh nghiệp, chính quyền địa phương nhưng đến nay chưa thấy sự khắc phục triệt để.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng trạm Y tế xã Mỹ Phong cho biết, theo quy định, cứ 3 tháng trạm y tế kết hợp với UBND xã và Trung tâm Y tế TP.Mỹ Tho lấy mẫu kiểm nghiệm một lần và chưa phát hiện vấn đề gì về chất lượng. Tuy nhiên có sự phản ánh về tình trạng đôi lúc xuất hiện cặn trong nước, có thể là do đường ống dẫn nước lâu ngày đã xuống cấp, bị bong tróc.

z4326799754433_665d61436e65020b6c729d899ae89488(1).jpg
Nước từ kênh rạch ở TP.Mỹ Tho quá ô nhiễm - Ảnh: Mỹ Tho

Điều đáng nói, theo báo cáo tổng hợp kết quả chất lượng nước sạch quý 1/2023 do phía doanh nghiệp tư nhân Thủy Nguyên gửi Trạm Y tế xã Mỹ Phong thì có 3 mẫu nước không đạt theo quy chuẩn Việt Nam. Cụ thể là chỉ tiêu cliforms và asen vượt quy chuẩn. Trong khi đó, theo phiếu kết quả thử nghiệm ngày 23.3.2023 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang thì chỉ phát hiện hàm lượng asen vượt quy định, 6 chỉ tiêu còn lại đều đạt yêu cầu.

Do đó, không ít người dân xã Mỹ Phong rất nghi ngờ về kết quả kiểm nghiệm mẫu nước tại đây. Người dân đề nghị ngành chức năng cấp tỉnh vào cuộc, lấy mẫu nước ngẫu nhiên gửi đến các cơ quan chuyên môn có kinh nghiệm, uy tín xét nghiệm để xác định chất lượng nguồn nước. Nếu nguồn nước không đạt chỉ tiêu nào thì phải có biện pháp kiên quyết buộc doanh nghiệp Thủy Nguyên chấn chỉnh, không được xem thường sức khỏe con người.

z4326799133514_35c7bae3c6bbad41374a2dcb7cf03fdd.jpg
Chất bẩn thoát ra từ đường ống nước máy - Ảnh: Mỹ Tho

Chủ trương của tỉnh Tiền Giang là ngưng hoạt động các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn đã xuống cấp, bị ô nhiễm nếu không khắc phục được. Đối với nguồn nước sinh hoạt nông thôn tại xã Mỹ Phong cũng cần được xem xét, nếu chủ doanh nghiệp kinh doanh nước sạch không đảm bảo chất lượng ổn định nguồn nước thì cần đưa nguồn nước sạch từ Công ty Cấp nước tỉnh Tiền Giang tới để phục vụ người dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền Giang: Người dân xã nông thôn mới 'kêu trời' vì chất lượng nước sinh hoạt