Một tập bút ký của Việt Nam, một tác phẩm tiểu thuyết của Hàn Quốc và một quyển nhật ký của tác giả Nhật Bản, không hẹn mà gặp, cùng nhau cất lên tiếng nói bảo vệ môi trường. Qua những trang viết chứa đầy tâm sự, ba tác giả của ba quốc gia bày tỏ thái độ và trách nhiệm của họ; đồng thời khuyến khích, thúc giục độc giả hãy ứng xử văn hóa an hòa với thiên nhiên.

Tìm về bản nguyên sinh thái của con người

08/04/2017, 12:17

Một tập bút ký của Việt Nam, một tác phẩm tiểu thuyết của Hàn Quốc và một quyển nhật ký của tác giả Nhật Bản, không hẹn mà gặp, cùng nhau cất lên tiếng nói bảo vệ môi trường. Qua những trang viết chứa đầy tâm sự, ba tác giả của ba quốc gia bày tỏ thái độ và trách nhiệm của họ; đồng thời khuyến khích, thúc giục độc giả hãy ứng xử văn hóa an hòa với thiên nhiên.

Tây Nguyên là để trở về

Với hai mươi tư bài bút ký, tác phẩm Các bạn tôi ở trên ấy là chuỗi những khám phá, những suy tư trắc ẩn mà nhà văn Nguyên Ngọc muốn tỏ bày cùng bạn đọc. Những dòng bút ký đẹp long lanh, mỏng manh nhưng bí ẩn, huyền nhiệm như chính sự mênh mông bất tận của núi rừng Tây Nguyên. Song song đó là những nhân vật có thật đã, đang và sẽ gắn bó với núi rừng nơi đây. Có thể nói, người Tây Nguyên đã thiết lập một mối quan hệ mà ở đó, văn hóa và sinh kế nương theo những nguyên lý của tự nhiên. Trong hành trình tiến đến văn minh, văn hóa Tây Nguyên đã giữ được chất tự nhiên bản nguyên đến tận cùng. Công lao ấy thuộc về ý niệm “người là của rừng” mà người Tây Nguyên bấy lâu nay đã quan niệm và gìn giữ.

Kể về từng câu chuyện cuộc đời của từng cá nhân, từng số phận nhưng là kể về tính cách, về bản nguyên của cả cộng đồng, của cả Tây Nguyên, tập bút ký Các bạn tôi ở trên ấy của nhà văn Nguyên Ngọc đã phác họa nên tính cách của người Tây Nguyên đầy tinh thần yêu quý thiên nhiên. Thật khó có nhà văn nào trong suốt cuộc đời sáng tác lại gắn bó máu thịt với vùng đất Tây Nguyên như Nguyên Ngọc. Ông chưa bao giờ thôi suy tư, trăn trở về vùng đất này. Thế nên, trước những áp lực từ bên ngoài Tây Nguyên đang khiến nơi đây biến đổi theo chiều hướng xấu, trong nhiều đoạn của các bút ký, Nguyên Ngọc đã phải xót xa lên tiếng: “Tây Nguyên đang mất gần sạch rừng xanh rồi. Đại ngàn thì tuyệt đối không còn. Tất cả đang trống trơn, phơi ra đỏ ngầu đất trơ khô cháy. Con người ở đấy rồi sẽ ra sao đây? Thú thật, tôi chưa biết. Chỉ lo sợ”.

Một nền nông nghiệp sinh thái

Nếu tập bút ký Các bạn tôi ở trên ấy của nhà văn Nguyên Ngọc là một tác phẩm đáng đọc, để thêm hiểu về người Tây Nguyên thì đến với tác phẩm Cuộc Cách Mạng Một - Cọng - Rơm (được trình bày như thể một hình thức của nhật ký), độc giả sẽ thêm yêu thiên nhiên đất trời ban tặng.

Một nền nông nghiệp như thế nào mới là một nền nông nghiệp bền vững, chịu đựng được tất thảy những thử thách khắc nghiệt của thời gian? Với việc khởi xướng triết lý làm nông tự nhiên, thuận theo tự nhiên, Mansanobu Fukuoka đã trở thành người nông dân được thế giới biết đến nhiều nhất. Những trải nghiệm với nghề nông, cùng những suy tư của ông về thực phẩm, về y học, về cuộc sống được trình bày giản dị qua tác phẩm Cuộc Cách Mạng Một - Cọng - Rơm.

Đề xuất việc nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên, trong suốt quyển sách của mình, Mansanobu Fukuoka trình bày những minh họa cụ thể của việc làm nông và khéo léo lồng ghép vào đó những triết lý sống hài hòa, dung dị. Đến nay, cuốn sách đã được chuyển ngữ sang 25 thứ tiếng. Điều này cho thấy sức hút, sức lan tỏa của những ý niệm mà quyển sách mang lại. Đó là sự cảnh tỉnh của Mansanobu Fukuoka trước tình thế mê tín tri thức khoa học thái quá. Ông đề ra ba nguyên tắc để tạo ra thực phẩm sạch: không dùng phân hóa học, không làm cỏ bằng việc cày xới và thuốc diệt cỏ, không phụ thuộc hóa chất.

Người ta đã mệnh danh Mansanobu Fukuoka là “vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên” bởi ông đã ý thức rõ về sự vĩ đại của mẹ thiên nhiên và vị trí “con cái” của loài người. Mansanobu Fukuoka hiểu rằng sinh thái tự nhiên là trung tâm của cuộc sống thường hằng này chứ không phải con người là trung tâm như bấy lâu nay người ta mặc nhiên quan niệm. Trong diễn trình hoàn thiện bản thân, con người vẫn khó lòng tách khỏi tự nhiên một cách duy ý chí. Nếu thật lòng mưu cầu một cuộc sống bền vững, an yên, con người cần lắm thái độ nương theo quy luật của tự nhiên đất trời, xem tự nhiên là bè bạn thiết thân chứ không phải là đối tượng để chinh phục, chiếm hữu.

Cuộc Cách Mạng Một - Cọng - Rơm – một quyển sách dành cho tất cả mọi người, những ai đang truy tìm phương thức sống trở về với bản nguyên sinh thái tự nhiên của con người.

Hành trình trở về nguồn cội của loài cá hồi

Tiểu thuyết Cá hồi của nhà văn Ahn Do Hyun cũng thấm đẫm tinh thần bảo vệ môi trường. Là hồi chuông thức gọi sự phản tỉnh của con người trong cách ứng xử với thiên nhiên tạo vật, tác phẩm kể về hành trình của những cuộc đời cá hồi, ở đó, trong vòng quay tồn tại, cá hồi được sinh ra ở sông, sống ở biển, rồi lại lội ngược dòng tìm về sông - nơi mình đã sinh ra, để đẻ trứng.

Hành trình hồi hương để sinh sản của cá hồi là hành trình tự nhiên mang đặc tính giống loài nhưng đồng thời, nó cũng hàm chứa ý nghĩa ẩn dụ về hai hành trình lớn khác. Một là hành trình tìm kiếm bản thân, truy nguyên bản thể, tự vấn mục đích của cuộc đời. Hành trình trở về cố hương của loài cá hồi là hành trình trở về với cái nguyên khởi, trở về xuất phát điểm của sự sống. Hai là hành trình nhận thức vị trí của giống loài mình trong toàn bộ sinh thái tự nhiên với việc lấy chủ nghĩa sinh thái trung tâm luận làm nền tảng của tư tưởng. Hai hành trình hồi hương nhằm truy nguyên và nhận thức ấy của cá hồi dường như cũng chính là hành trình của con người.

Trong hai hành trình ấy, nếu như hành trình tìm kiếm bản thể luôn được con người ngày đêm tra vấn thông qua nhiều hình thức từ các luận thuyết của tư tưởng triết học đến những khám phá của khoa học kỹ thuật thì hành trình thức nhận vị trí của con người trong phối cảnh lớn của toàn bộ sinh thái hoặc đã bị nhận thức một cách méo mó, lệch lạc (con người là chúa tể muôn loài, con người là tinh hoa của muôn loài) hoặc đã bị lờ đi, né tránh đi. Rõ ràng, con người không chỉ cần biết mình là ai, mình từ đâu đến, mà còn phải nhận thức được vị trí bình đẳng của mình - như bao loài vật khác - trong toàn bộ môi sinh.

Thiên nhiên là người mẹ vĩ đại của con người, trao ban và nuôi dưỡng con người trong vòng tay hiền dịu. Ấy thế mà, con người đã hành xử ra sao với thiên nhiên?! Các nhà văn đã vào cuộc, đã đưa ra những cảnh báo về nguy cơ sinh thái, câu chuyện bây giờ thuộc về độc giả. Cần lắm việc thiết lập những tầm đón đợi của người đọc mà ở đó, nhu cầu truy vấn về sinh thái luôn là một nhu cầu bức thiết. Và trên tất cả, là sự nhận thức đúng đắn, là hành động văn hóa với thiên nhiên, với môi trường.

Trần Xuân Tiến (Trường đại học Văn Hiến)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
11 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm về bản nguyên sinh thái của con người