Vẽ cũng chính là cách để Huỳnh Lê Nhật Tấn đi tìm “Vết căn nguyên” của mọi sự phiền não trong từng thân phận con người và hành trình đó dài đến vô cùng vô tận…

Tìm ‘Vết căn nguyên’ trong Huỳnh Lê Nhật Tấn

Tiểu Vũ | 26/03/2022, 20:57

Vẽ cũng chính là cách để Huỳnh Lê Nhật Tấn đi tìm “Vết căn nguyên” của mọi sự phiền não trong từng thân phận con người và hành trình đó dài đến vô cùng vô tận…

Huỳnh Lê Nhật Tấn chủ yếu sống và làm việc tại Đà Nẵng nhưng là gương mặt khá thân quen với giới văn nghệ sĩ Sài Gòn. Bạn bè nhớ đến anh trong những lần ghé thăm thành phố, mái tóc bồng bềnh, làn da ngăm đen, giọng nói đậm đặc chất Quảng ngồi đàm đạo chuyện đời, chuyện văn chương chữ nghĩa đến quá nửa khuya mới chịu về.

Thoắt đến thoắt đi, nhưng những cuộc gặp gỡ của Tấn lần nào cũng để lại những ấn tượng khó quên trong lòng bạn bè. Người ta luôn chờ đợi sự sáng tạo đột phá của anh…

img_e3460.jpg
Chân dung họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn - Ảnh: Tiểu Vũ 

Và điều đó đã đến, lần này Tấn đến Sài Gòn không chỉ để “gặp gỡ anh em” mà còn mang theo thế giới sáng tạo của riêng mình trình làng với công chúng yêu nghệ thuật với triển lãm mỹ thuật Vết căn nguyên. Đây cũng là tên cuốn sách của của Huỳnh Lê Nhật Tấn vừa được NXB Mỹ thuật phát hành trong tháng 3.2022.

Không gian triển lãm tranh của Huỳnh Lê Nhật Tấn được ấn định tại Mây Artspace (36/70, Nguyễn Gia Trí, P.25, Q. Bình Thạnh) vừa chính thức khai mạc vào tối 26.3. Vết căn nguyên trưng bày 28 tác phẩm phản ánh góc nhìn đa chiều của tác giả về cuộc sống, về thân phận của con người thông qua những đường nét ẩn hiện màu sắc siêu thực.

Hội họa của Huỳnh Lê Nhật Tấn cũng mang đậm chất thơ, mỗi tiêu đề tác phẩm như được trích ra từ một bài thơ nào đó. Nếu ghép chúng lại ta sẽ có một bài thơ tương đối hoàn chỉnh: “Giọt linh hồn rơi vào đêm/Nhìn sự rỗng không của thế gian/ Những hạt giống nảy mầm/ Vũ trụ nguyên sơ/ Lời độc địa, Hủy diệt từ lòng bàn tay đen…”

Thế giới sáng tạo của Huỳnh Lê Nhật Tấn là hai chiều ngược của tâm thức, giữa thơ và nhạc. Thơ đến với anh từ khá sớm, trong mỗi bài, qua năm tháng, nó chuyển động dần dần từ các ý tưởng rõ ràng cho đến các bài thơ mang hơi hướng siêu thực. Hội họa đến với anh muộn hơn, chừng 10 năm trở lại đây, nơi anh còn chú trọng nhiều đến việc diễn ý, gởi gắm các tình huống hiện sinh và phi lý thông qua các ký hiệu, biểu hiện. Đến những bức tranh gần đây, vẽ sau thời COVID-19, cũng đã bắt đầu có chất siêu thực.

img_3427.jpg
Công chúng Sài Gòn thưởng lãm tác phẩm của Huỳnh Lê Nhật Tấn trong triển lãm "Vết căn nguyên" - Ảnh:  Tiểu Vũ 

Lý giải về những “vết căn nguyên” trong chủ đề tác phẩm của mình, Huỳnh Lê Nhật Tấn nói: Căn nguyên bắt nguồn từ tâm điểm, xoay rộng gieo gì gặp đó, nghĩ gì thì vẽ đó, nghĩa là danh tính người vẽ hiện ra ý tưởng, bắt đầu cho tranh là vết, dấu chấm, nét chấm cọ, vũng sơn đổ tràn lên khung vải, khoảng trống nằm bất động, bản thảo phơi ý, phút giây chợt hiện... Tôi điên cuồng hình tượng người nông dân, đôi tay anh ta mang bầu hạt giống, khuôn mặt tươi nở nụ cười, gieo rắc mùa màng. Anh mong chờ hy vọng bội thu hay là thất bát. Nó đều bắt nguồn từ hạt giống và thời tiết là căn nguyên. Vậy, tôi vẽ cũng mang cốt ý đó, tâm tánh thể hiện từng bức họa, hàng loạt mệnh đề triết học, chúng là tiêu đề cho từng bức tranh ra đời, mang tên như bài thơ nhiều ẩn dụ…”

23.jpg
Tác phẩm "Nhìn sự rỗng không của thế gian"  của Huỳnh Lê Nhật Tấn

Và anh kết luận: “Nếu ai đó hỏi vì sao vẽ, phải bỏ mọi thứ để vẽ. Tôi sẽ nói rằng, vẽ để bắt đầu bằng một Vết để đi tìm từ đâu có Vết đó. Vì nghệ thuật là phù du tan biến, vật chất trao đổi mọi thứ. Thì nghệ thuật cũng vậy, phát minh bằng sáng tạo nuôi hạt giống tâm hồn. Nghệ thuật hội họa có mặt từ một đứa trẻ, vắng mặt nó nền văn minh nhân loại điêu tàn, hội họa vòng luân hồi tiếp nối”.

Nhận xét về tác phẩm của Huỳnh Lê Nhật Tấn, nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng viết: “Trú xứ của Tấn, một cõi nghệ thuật ở ngoài nghệ thuật, ngoài biên địa hàn lâm, ngoài những tiêu chuẩn quy định của nghệ thuật. Và một khi những xung lực của trực giác được phóng thích. Bằng những nguyên liệu tươi sống của loại nghệ thuật thô mộc (art brut) ùa ra, tươi rói, nguyên sơ và chân thực. Tái hiện những tâm cảnh trong miền tàng thức, của ký ức, của ảo tượng và sự u uất của hiện hữu… Trong những bức tâm cảnh này ẩn hiện những nhân hình, những hình động-thực-vật nhuốm màu xanh xám ảm đạm hiện xuất từ nỗi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đen, tất cả lẫn vào với màu trắng mù sương và là ngôn ngữ để diễn đạt cái vô ngôn…”

img_3470.jpg
Hộạ sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn chia sẻ với báo giới TP.HCM về triển lãm Vết căn nguyên" - Ảnh: Tiểu Vũ

Ở một góc nhìn khác, họa sĩ Phan Thiết nhận định về tranh của Huỳnh Lê Nhật Tấn: “Tranh Huỳnh Lê Nhật Tấn mặc nhiên dẫn tôi đến sự liên tưởng sống động gần gũi, nhưng đầy khác biệt, với ba danh họa - thuộc số những danh hoạ mà tôi yêu thích nhất - Edvard Munch, Vincent van Gogh và Trần Trung Tín... Xin lưu ý rằng tôi chỉ liên tưởng, chứ không hề so sánh.

Tranh của những con người này có ý nghĩa cao rộng hơn, có thông điệp nhân văn lớn lao hơn trong tồn tại hình thức tuyệt đẹp của nó. Rất hiếm hoi mới có những họa sĩ dẫn dắt chúng ta vào bi kịch lạc quan, vào bi quan và tráng lệ như họ. Bởi cái họ vẽ ra chính là tâm thần của hiện thực, của thời đại, của con người... Họ vượt mọi biên giới rộng hẹp khác nhau để hội họa của họ chính là tâm thần của thế giới và nhân gian này...

img_4268(1).jpg
Một góc không gian triển lãm của Huỳnh Lê Nhật Tấn - Ảnh: Tiểu Vũ

Tôi xem, tôi ngẫm về tranh Nhật Tấn và thấy rất rõ ràng trong hình thức biểu đạt của nó một ngôn ngữ diễn biến khôn lường, bất ngờ và liên tục. Màu sắc của bố cục, của hình hài, của hình tượng thật quằn quại, thật mạnh mẽ, nhưng cũng thật tĩnh lặng, cô đơn cùng cực, yêu người đến tột cùng...

Và tôi thấy Tấn dường như không có kỹ năng nào đáng kể để bộc lộ vẻ đẹp, mà chỉ đau đáu tâm trạng suy tưởng để tuôn chảy ra, như gào khóc thành dòng lệ, như cắt cứa mình thành dòng máu. Tấn với hoài niệm, với hiện tại, và với cả tương lai… hình như không có bóng dáng của hy vọng...”

Huỳnh Lê Nhật Tấn sinh năm 1973 tại Đà Nẵng. Sống bằng nghề viết và vẽ, sau hai tập thơ tự do Men da (2009) và Que than (2017), anh vừa xuất bản tập sách mỹ thuật Vết căn nguyên (NXB Mỹ thuật, tháng 3.2022). Cả thơ và hội họa, Huỳnh Lê Nhật Tấn đều đến bằng con đường tự học và khổ luyện trong nhiều năm liên tục.

Triển lãm cá nhân lần đầu với thể loại tranh thơ art graphic Dấu nối sinh tồn (2007) từng diễn ra tại Viet Art Centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

Huỳnh Lê Nhật Tấn cũng đã có các triển lãm nhóm như sắp đặt nghệ thuật thơ Trong bé nhỏ đến rộng lớn (2010) tại Văn Miếu, Hà Nội. Trình diễn và sắp đặt thơ Những nấc thang (2010) tại Festival Huế, Thừa Thiên - Huế. Triển lãm Mỹ Sơn - cảm xúc mới (2013) tại Mỹ Sơn, Quảng Nam…

Bài liên quan
Nhà thơ, hoạ sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn choáng váng vì bị biến thành... kẻ sát nhân
Nhà thơ, họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn bất ngờ và khá sốc khi thấy hình chân dung của anh trên bìa sách Kẻ sát nhân không bao giờ bị bắt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm ‘Vết căn nguyên’ trong Huỳnh Lê Nhật Tấn