Trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, luật sư cho rằng không phủ nhận nhiều đối tượng sẽ nhân cơ hội này để đầu cơ thu lợi bất chính.

Tội ‘Đầu cơ’ được hiểu như thế nào trong tình hình dịch COVID-19?

Thu Anh | 04/04/2020, 18:48

Trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, luật sư cho rằng không phủ nhận nhiều đối tượng sẽ nhân cơ hội này để đầu cơ thu lợi bất chính.

Phân tích rõ hơn về tội “Đầu cơ”, luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng đối với tình hình kinh tế - xã hội ổn định như ở Việt Nam, tội phạm liên quan đến tội “Đầu cơ” không được phổ biến bởi tội danh này chỉ xảy ra khi xuất hiện những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, trong tình hình bệnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, không phủ nhận nhiều đối tượng sẽ nhân cơ hội này để đầu cơ thu lợi bất chính.

Theo quy định tại BLHS 2015, tội “Đầu cơ” được hiểu là hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại thu lợi bất chính.

Luật sư Hiển phân tích: “Người thực hiện hành vi đầu cơ là do lỗi cố ý trực tiếp; tức là nhận thức rõ hành vi của mình gây ra sự khan hiếm hàng hoá, làm cho hàng hoá tăng giá nhưng vì lợi nhuận nên vẫn mua vét; thấy trước được hậu quả của hành vi và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Động cơ, mục đích của người phạm tội này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm (nhằm thu lợi bất chính)”.

Tuy nhiên, luật sư Hiển cũng nêu rõ nếu việc mua vét hàng hóa không có mục đích bán lại nhằm thu lợi bất chính như mua vét để cứu trợ, để tặng cho các tổ chức cá nhân với mục đích từ thiện thì không cấu thành tội này.

Ngoài ra, theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), "lợi dụng tình hình khan hiếm" được hiểu là do điều kiện hoàn cảnh nhất định như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế,một số loại hàng hóa không đủ cung ứng cho thị trường dẫn đến bị khan hiếm nhưng người phạm tội đã mua vét những hàng hóa bị khan hiếm đó nhằm để bán lại thu lợi bất chính.

“Tạo ra sự khan hiếm giả tạo” được hiểu là trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế, mặc dù các loại hàng hóa cần thiết không bị thiếu nhưng lợi dụng tình hình này, người phạm tội đã tích trữ hàng hóa, găm hàng để tạo ra sự khan hiếm giả tạo để mua vét hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính.

Luật sư Cường cũng chỉ ra rằng “mua vét hàng hóa” được hiểu là hành vi mua hàng để dự trữ với mục đích chờ giá cao hoặc đẩy giá cao lên để bán thu lợi bất chính. Đặc biệt,số lượng hàng hóa phải đảm bảo giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên thì mới thỏa mãn tội danh này. Nếu giá trị không lớn thì không đủ yếu tố cấu thành tội này.

Mới đây nhất, liên quan đến dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp và đặc biệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, đã dẫn đến việc một cơ sở kinh doanh lợi dụng tình trạng này để gom hàng, găm hàng, đẩy giá một số mặt hàng thiết yếu lên cao như khẩu trang, lương thực…

Chính vì vậy, Hội đồng Thẩm TAND Tối cao đã có ban hành văn bản hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó mục 1.8 quy định: Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh COVID-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội “Đầu cơ” theo quy định tại Điều 196.

Theo nội dung này có thể hiểu dịch bệnh COVID-19 được coi là hoàn cảnh phạm tội bắt buộc để thỏa mãn tội danh này, bất kỳ hành vi đầu cơ nào trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 nếu thỏa mãn các yếu tố khác tại Điều 196 BLHS,đều có thể bị xử lý hình sự theo quy định này.

Như vậy, luật sư Lê Hồng Hiển nhấn mạnh cần đẩy mạnhtuyên truyền, vận động toàn thể nhân dân để nhận thức rõ ràng vấn đề này. Bất cứ hành vi nào có dấu hiệu đầu cơ, gây nguy hiểm và thiệt hại cho xã hội đều sẽ bị pháp luật trừng trị một cách thích đáng.

Điều 196. Tội “Đầu cơ”

1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Nhã Thanh
Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tội ‘Đầu cơ’ được hiểu như thế nào trong tình hình dịch COVID-19?