Người Sài Gòn, có lẽ, không ai là không thân thuộc với những tiếng rao đêm. “Ai bánh chưng, bánh giò, bánh chưng, bánh giò nóng đây….”, “Bắp luộc, khoai lang luộc nóng đây…”, “Ai…chè đậu xanh, nước cốt dừa, bột báng không…”.
Những tiếng rao quen thuộc ấy, bất kể thời tiết ra sao, cứ vang lên đều đặn trong từng con hẻm nhỏ, đã đi vào tiềm thức của từng người dân Sài Gòn và của những đứa trẻ như tôi.
Từ khắp nơi, người dân tứ xứ đổ về Sài Gòn hoa lệ, nên vì thế mà những tiếng rao cũng mang những âm hưởng khác nhau, Nam có, Bắc có nhưng tựu trung một đều tất cả cũng vì chén cơm, manh áo.
Có những tiếng rao nghe sao nghèn nghẹn, day dứt lòng người, trong từng hơi thở, trên những đôi vai gầy là những mảnh đời, những số phận khác nhau. Hình ảnh những chiếc xe mì gõ tỏa khói trong đêm và cả tiếng lóc cóc vang lên trong từng con hẻm nhỏ, đôi lúc cũng khiến ta phải chạnh lòng.
Mỗi tiếng rao nghe như chất chứa một nỗi niềm riêng. “Có tiếng rao đúng nghĩa như một lời thông báo, mời chào, lời rao vang xa vào đêm. Có tiếng rao như bị nhúng nước trước khi bật qua môi. Có tiếng rao chất chứa hy vọng, lời rao như đùa cợt với mọi nỗi khổ đang vây bọc. Có tiếng rao bị tắc nghẽn ở đâu đó trong cổ họng. Có tiếng rao thắt lại, lời rao bị kéo dài mãi ra ở đoạn cuối. Mỗi lời rao là dấu hiệu nhận dạng một số kiếp qua âm thanh…”. Cứ thế mà tiếng rao đêm cứ thầm lặng, thầm lặng trở thành một phần trong ký ức tuổi thơ tôi.
Ngày còn bé, cho dù có khuya thế nào, tôi vẫn thức chờ cô bán bánh giò đi ngang để mua một chiếc bánh giò. Có những đêm mưa to, tôi vẫn thấy cô, trong chiếc áo mưa cũ kỹ, trên chiếc xe đạp đơn sơ, từng vòng quay chầm chậm, nặng nề cứ thế đi, tiếng rao vẫn không ngừng vang vọng.
Năm tháng cứ dần trôi, Sài Gòn thay đổi từng giờ, từng phút, những tiếng rao đêm theo đó mà thưa dần. Thay cho những tiếng rao ngọt ngào của các bà, các mẹ ngày xưa, bây giờ là những âm thanh đều đều, lặp đi lặp lại từ những chiếc loa làm cho tiếng rao vang xa hơn, nhưng nghe rất chói tai và khó chịu.
Có thể, người ta phải thay đổi cho hợp thời, hợp thế, cho phù hợp với xu thế phát triển ngày nay, khi mà dòng người thì hối hả và tiếng xe cộ át cả tiếng người.
Sài Gòn về đêm không ngủ, đèn điện vẫn sáng choang trên từng con đường, góc phố. Sài Gòn đêm như chậm lại hơn với những hối hả ban ngày. Ở nơi đó, hai mảng màu sáng tối của cuộc sống cũng được hiện lên rõ ràng nhất. Bên đây là nhà cao, cửa rộng, đèn điện, ánh gương, bên kia là bóng tối của những khu nhà ổ chuột lúp xúp. Bên này là những cuộc chơi thâu đêm, suốt sáng và bên kia là sự nhọc nhằn, vất vả mưu sinh.
Những tiếng rao lại vang lên, phá tan sự tĩnh lặng của đêm buồn. Tiếng rao vang lên trên Sài Gòn phồn hoa, đô hội, tiếng rao đêm của ngày nay đã thưa dần, yếu ớt, nhưng không hiểu sao, cứ mỗi đêm về, tôi vẫn quen chờ đợi những tiếng rao đêm.
Có thể bây giờ phố không còn trẻ đâu
Tiếng rao đêm đã khàn hơn một chút
Chiếc xe già nua mỏi hơn thời trước
Người đạp xe quen gọi tóc muối tiêu
Nhớ thật nhiều và quên cũng thật nhiều
Không thể quên phần ba ly cà phê đậm
Trong mưa khuya nhớ thương lời rao sáng
Giữa nắng ngày thương nhớ tiếng rao đêm
(Sài Gòn trong khúc nhớ quên-thơ Trần Kiêu Bạc)