Không còn thu nhập vì phải đóng cửa do COVID-19, Dmitry Volodin, đồng sở hữu một số quán bar ở Moscow, nói rằng ông nhận được sự hỗ trợ của chính phủ không đầy đủ, và không biết lấy tiền đâu để tiếp tục trả lương cho nhân viên và thuê mặt bằng.

Tổng thống Putin đang gặp khó trong nỗ lực chống COVID-19

09/04/2020, 14:02

Không còn thu nhập vì phải đóng cửa do COVID-19, Dmitry Volodin, đồng sở hữu một số quán bar ở Moscow, nói rằng ông nhận được sự hỗ trợ của chính phủ không đầy đủ, và không biết lấy tiền đâu để tiếp tục trả lương cho nhân viên và thuê mặt bằng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo địa phương hôm 8.4 - Ảnh: Reuters

"Họ nói phải trả lương cho nhân viên, nhưng không ai giải thích số tiền đó phải lấy từ đâu. Điều này sẽ giết chết lĩnh vực nhà hàng và quán bar. Nhiều người sẽ không thể tồn tại nổi", Volodin nói với hãng Reuters khi đề cập tới các biện pháp của chính phủ Nga trong việc ngăn chặn COVID-19.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo đợt nghỉ làm tại nước này sẽ kéo dài đến hết tháng 4 để ngăn chặn coronavirus lây lan, nhưng đề nghị các chủ doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho nhân viên. Chính quyền Moscow cũng yêu cầu phong tỏa nhiều khu vực, hàng quán phải ngừng hoạt động và cư dân ở yên trong nhà.

Biện pháp này của chính phủ Nga đã khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ vô cùng tức giận, họ cảnh báo nguy cơ phá sản hàng loạt trong những đơn kiến nghị gửi lên chính phủ. Một lá đơn kiến nghị thu thập 250.000 chữ ký đã được gửi lên chính phủ, đề cập đến những "cơn gió ngược" mà Tổng thống Putin phải đối mặt khi cố gắng ngăn chặn COVID-19.

"Bộ Tài chính đang ngồi trên một đống tiền, trong khi các doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản và cuộc sống người dân đang ngày càng khó khăn hơn", bản kiến nghị có đoạn.

Làn sóng giận dữ từ các doanh nghiệp trong nước cùng việc giá dầu lao dốc diễn ra đúng thời điểm nhạy cảm với ông Putin. Người đứng đầu Điện Kremlin đang thúc đẩy cải cách hiến pháp để cho phép ông có quyền tái tranh cử Tổng thống và có khả năng tiếp tục nắm quyền đất nước đến năm 2036.

"Đây là một thử thách chính trị rất cùng nghiêm trọng đối với Putin. Ông ấy vừa làm mất niềm tin từ một bộ phận. Những người làm việc trong lĩnh vực tư nhân có thể sẽ không ủng hộ ông ấy nữa", nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Carnegie Moscow, ông Andrei Kolesnikov nhận định.

Theo Trung tâm Phân tích Levada, tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Putin tại Nga vẫn cao. Tuy nhiên, con số này tháng trước giảm từ 69% xuống 63%, gần bằng mức tín nhiệm trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014, sự kiện giúp tỷ lệ ủng hộ ông tăng vọt.

Triển vọng đầy nước mắt

Ông Putin hồi cuối tháng 3 đã tuyên bố cho người dân nghỉ 1 tuần nguyên lương từ 28.3 đến 5.4, và cho biết các doanh nghiệp nhỏ sẽ được cắt giảm phí bảo hiểm quốc gia cho nhân viên và hoãn đóng thuế, một số trường hợp còn được có thêm 6 tháng để trả nợ.

"Tất nhiên, những biện pháp này sẽ không cứu sống chúng tôi. Nó chỉ giúp những doanh nghiệp đủ khả năng tồn tại dễ thở hơn. Một lệnh hoãn trả tiền thuê mặt bằng là điều chúng tôi đang cần”, ông Volodin nói.

Khi được hỏi về nỗi lo của các doanh nghiệp, Điện Kremlin hôm 3.4 cho biết tình hình hiện nay chưa từng xuất hiện và đang thay đổi nhanh chóng, nhưng các doanh nghiệp nên tận dụng những giải pháp hỗ trợ đã được ban hành.

"Chính phủ dĩ nhiên đang theo dõi tình hình hàng giờ. Các biện pháp hỗ trợ sẽ được xây dựng phụ thuộc vào diễn biến đang phát triển", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.

Chính phủ Nga đầu tuần này đã công bố một chương trình trị giá 150 tỉ rúp (gần 2 tỉ USD), theo đó các ngân hàng sẽ cung cấp những khoản vay không lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ để họ trả lương nhân viên.

Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để xoa dịu những người như bà Dariya Kaminskaya, chủ một cửa hàng sửa chữa ô tô, nơi phải đóng của vì COVID-19. Bà nói rằng đã phải trả lương cho các nhân viên của mình bằng tiền túi. "Đây là cách mà các cuộc cách mạng đã được bắt đầu trong quá khứ, bắt đầu từ giai cấp vô sản. Viễn cảnh tương lai tràn ngập nước mắt", bà Kaminskaya nói.

Tổng thống Putin có thay đổi chiến lược?

Tổng thống Vladimir Putin hôm 8.4 đã ví cuộc chiến đấu chống lại COVID-19 tại Nga như trận chiến chống lại quân xâm lược thời trung cổ và cho biết vài tuần tới sẽ có ý nghĩa quyết định.

Trong một cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo địa phương và chính phủ, ông Putin đã phác thảo các biện pháp mới để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động, gồm cả giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và hỗ trợ thêm cho người thất nghiệp.

Dù Nga hiện ghi nhận tổng cộng 8.672 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 63 người thiệt mạng, nhưng ông chủ Điện Kremlin vẫn khẳng định ông muốn duy trì hoạt động của nền kinh tế bất chấp coronavirus. "Chúng ta không thể đóng cửa nền kinh tế, hoặc hạn chế ồ ạt công việc của các doanh nghiệp. Bạn và tôi phải hiểu rằng điều này có thể dẫn đến các hậu quả khôn lường", ông Putin nhấn mạnh.

“Một hai ba tuần tới sẽ quyết định cho tình hình. Đó là một giai đoạn sẽ đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối các nguồn lực của chính phủ và việc tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến nghị và biện pháp phòng ngừa của bác sĩ. Chúng ta sẽ đánh bại coronavirus này. Cùng nhau chúng ta sẽ vượt qua mọi thứ”, ông Putin nói.

Hoàng Vũ (theo Reuters)

Bài liên quan
Nga quyết tâm phá vỡ phòng tuyến Ukraine bằng tên lửa xuyên lục địa, Kyiv đáp trả kiên cường với nguồn lực kiệt quệ
Theo New York Times, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã bước sang một giai đoạn mới, khốc liệt hơn, với việc Nga tăng cường các cuộc tấn công dọc các mặt trận ở miền đông và miền nam Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
9 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Putin đang gặp khó trong nỗ lực chống COVID-19