Mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong quý 1/2023 của TP.HCM chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng này thấp hơn rất nhiều so với các địa phương khác và thấp hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước.

TP.HCM: 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng âm trong quý 1/2023

Hồ Quang | 01/04/2023, 14:20

Mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong quý 1/2023 của TP.HCM chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng này thấp hơn rất nhiều so với các địa phương khác và thấp hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước.

Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý 1, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2/2023 và thúc đẩy đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm vào sáng nay (1.4), UBND TP.HCM cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2023 ước đạt 360.622,1 tỉ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,60% (công nghiệp giảm 0,85%, xây dựng giảm 19,80%); khu vực thương mại dịch vụ tăng 2,07%; thuế sản phẩm tăng 1,14%.

tphcm-co-den-4-nganh0dich-vu-torng-yeu-tang-yruong-am-trongquy-1-2023-hinh-anh(1).png
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2023 của TP.HCM tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước - Ảnh: PV

Như vậy, mức tăng trưởng GRDP trong quý 1/2023 của TP chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 3,32%. Đây là năm thứ 2 liên tiếp TP.HCM có tổng sản phẩm trên địa bàn thấp so với GDP của cả nước.

Điều đáng nói, trong quý 1/2023 này, TP có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng âm gồm: vận tải kho bãi giảm 0,63%, thông tin và truyền thông giảm 2,70%, kinh doanh bất động sản giảm 16,2%, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.

Báo cáo số liệu của Cục thống kê TP.HCM, với mức tăng trưởng GRDP như trên, TP.HCM là địa phương có mức tăng trưởng GRDP thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM chỉ có 100,70%, trong khi đó Cần Thơ là 104,02%, Hà Nội 105,80%, Đà Nẵng 107,12% và Hải Phòng 109,65%.

Nếu so trong 6 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước thì tốc độ tăng trưởng GRDP của TP trong quý 1/2023 đứng thứ 5, chỉ hơn Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong đó, mức tăng trưởng của 4 ngành trọng yếu của TP.HCM so với 6 tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ thì có 3 ngành (gồm: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, xây dựng; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm) đứng thứ 5, còn ngành dịch vụ là thấp nhất với mức tăng là 102,07%.

Nếu so với 63 tỉnh, thành trong cả nước thì mức tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong quý 1/2023 đứng ở vị trí thứ 56.

Theo đánh giá của UBND TP.HCM, tình hình kinh tế - xã hội của TP trong quý 1/2023 tiếp tục đà suy giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu; thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu nhiều ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng; doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh; số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng.

Ngoài ra, công tác thực hiện các dự án đầu tư công trong quý 1/2023 còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công chậm, chỉ đạt khoảng 2% tổng số vốn giao; tiến độ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp của các sở, ban, ngành còn chậm; việc sắp xếp tổ chức bộ máy một vài tổ chức và tiến độ kiện toàn các tổ công tác liên ngành còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và hiệu lực thực thi công vụ.

Trước tình hình trên, UBND TP đã đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý 2/2023. Trong đó, TP sẽ tập trung ban hành, triển khai thực hiện Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản; chủ động nắm bắt tình hình, nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế TP, đề xuất giải pháp quản lý, điều hành kịp thời, không để bị động; tiếp tục triển khai Chủ đề năm 2023 “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”...

Bài liên quan
TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết liên tục gia tăng, đã có 1 trường hợp tử vong
Trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM gia tăng và đã có 1 trường hợp tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng âm trong quý 1/2023