Các nghiên cứu được cấp kinh phí theo chương trình Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ trẻ của TP.HCM không giới hạn thể loại công trình nghiên cứu.
Sở Khoa học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh cùng với Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Chương trình Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ trẻ, nhằm trợ giúp kinh phí cho các nhà khoa học trẻ nghiên cứu đề tài. Năm nay, kinh phí cấp cho mỗi đề tài lên đến 150.000.000 đồng (Một trăm năm mươi triệu đồng) từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ là đơn vị quản lý và chủ trì thực hiện, từ khâu tổ chức sơ tuyển, xét duyệt, cấp kinh phí và tổ chức nghiệm thu các đề tài của chương trình. Cơ quan này hiện đang nhận hồ sơ xin cấp kinh phí từ các nhà khoa học trẻ có độ tuổi từ 35 tuổi trở xuống, đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn TP.HCM.
Các đối tượng tham gia chương trình cụ thể là cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, giáo viên - giảng viên trẻ, cán bộ công chức trẻ, cán bộ nghiên cứu trẻ thuộc các cơ quan, trường học, trung tâm - viện nghiên cứu; sinh viên. Mỗi đề tài chỉ được đăng ký 01 chủ nhiệm đề tài, không giới hạn số lượng và độ tuổi của cố vấn chuyên môn và cộng tác viên tham gia thực hiện đề tài.
Chương trình Vườn ươm ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ trẻ không phải là chương trình chuyên ngành nên không giới hạn lĩnh vực đăng ký nghiên cứu. Nội dung khuyến khích nghiên cứu một số vấn đề gắn liền với 7 chương trình đột phá của thành phố; Chú trọng nghiên cứu gắn liền với mục tiêu và nội dung 15 chương trình nghiên cứu chuyên ngành của thành phố: Chương trình CNTT và điện tử viễn thông, Chương trình Công nghệ Sinh học, Chương trình Vật liệu mới và Công nghệ Dược, Chương trình Công nghệ Công nghiệp – Tự động hóa, Chương trình Bảo vệ Môi trường - Tài nguyên và Biến đổi khí hậu, Chương trình An ninh thông tin, Chương trình Phát triển vi mạch, Chương trình Khoa học và Công nghệ Năng lượng, Chương trình Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm, Chương trình Y tế, Chương trình nghiên cứu giảm ngập nước,Chương trình nghiên cứu giảm ùn tắc giao thông,Chương trình Khoa học Xã hội và nhân văn, Chương trình Quản lý đô thị, Chương trình Giáo dục – Thể dục thể thao và Phát triển nguồn nhân lực.
Để tham gia chương trình này, các nhà khoa học cần gửi một hồ sơ về Phòng Quản lý Khoa học và Phát triển Dự án – Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ, Số 1 Phạm Ngọc Thạch, P. Bến Nghé, Q.1 trước ngày 16.3.2019. Khi nộp hồ sơ, các nhà khoa học cũng phải nộp thêm phí tham gia sơ tuyển là 2.000.000đ (Hai triệu đồng) cho một đề tài đăng ký sơ tuyển. Chi phí trên bao gồm chi phí kiểm định thông tin đề tài, chi phí xét duyệt đề tài.
Sau vòng Sơ tuyển, các chủ nhiệm đề tài sẽ trải qua vòng Xét duyệt. Đề tài đạt tại vòng Xét duyệt sẽ được Ban Chủ nhiệm Chương trình ký hợp đồng và cấp kinh phí hỗ trợ cho mỗi đề tài lên đến 150.000.000 đồng (Một trăm năm mươi triệu đồng) được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước theo hình thức chuyển khoản 3 đợt trong năm. Các khoản kinh phí thực hiện đề tài và khoản chi cố định phục vụ cho công tác quản lý, tổ chức hội đồng được quy định theo thông tư 55/2015/TTLT-BTC_BKHCN.
Sau khi hoàn thiện nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài sẽ được nghiệm thu và xác nhận hoàn tất chương trình. Mỗi đề tài có thời gian thực hiện nghiên cứu và ra kết quả trong vòng 12 tháng. Chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm phân bổ thời gian hợp lý trong khoảng thời gian cho phép theo quy định của chương trình.
Thiên Hà