Ngày 25.9, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM đã chấp thuận chuyển địa điểm đầu tư xây dựng Bảo tàng TP.HCM từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) rộng 1,8ha về Khu Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc tại quận 9.
Theo đó, Bảo tàng TP.HCM sẽ được xây dựng ở khu thông tin giới thiệu chung thắng cảnh Việt Nam thu nhỏ thuộc khu 1 (khu cổ đại) trong Khu Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc với quy mô diện tích khoảng 8ha.
Đồng thời, TP.HCM cũng cho phép thành lập ban chỉ đạo triển khai “Đề án xây dựng Bảo tàng TP.HCM” để trực tiếp chỉ đạo quá trình nghiên cứu lập đề án, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định, phê duyệt và triển khai dự án xây dựng Bảo tàng TP.
Sau khi được Thành ủy chấp thuận chủ trương, UBND TP.HCM sẽ xem xét điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của khu 1 (Khu cổ đại) trong Khu Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc để triển khai xây dựng Bảo tàng TP.HCM.
Trong thời gian nghiên cứu lập dự án và triển khai xây dựng Bảo tàng TP.HCM tại quận 9, UBND TP.HCM chấp thuận cho Sở Văn hóa - Thể thao tiếp tục lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp Bảo tàng TP hiện hữu trên đường Lý Tự Trọng, quận 1.
Hôm qua, ngày 24.9 Sở Văn hóa - Thể Thao (Sở VHTT) đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc xây dựng Bảo tàng TP.HCM với mục tiêu tạo ra một công trình văn hóa nghệ thuật “ngang tầm với một trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội lớn của đất nước, góp phần khẳng định vị thế thành phố”.
Trong tờ trình này, Sở VHTT cho rằng trước đây Bảo tàng TP.HCM được dự kiến xây dựng ở Khu đô thị Thủ Thiêm, song khu đất tại đây chỉ có diện tích 1,8ha, quá nhỏ để xây dựng công trình. Vì vậy, Sở đề xuất chuyển bảo tàng xuống xây dựng tại Khu Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc tại quận 9. Lý do là nơi này tạo sự kết nối để giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa với các công trình khác như: Khu Tưởng niệm các vua Hùng, Đền thờ lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Bảo tàng Thiên nhiên Nam Bộ....
Ngoài ra, Sở VHTT cũng nhận định quy mô 8ha cơ bản đáp ứng yêu cầu về không gian và tổ chức hoạt động của bảo tàng. Vị trí khu đất nằm trong không gian tổng thể của Khu 1 (Khu cổ đại) phù hợp với tính chất và mục tiêu xây dựng của Bảo tàng cũng như đồ án quy hoạch.
Đáng chú ý, Sở VHTT đưa tổng mức đầu tư (tạm tính) cho dự án này là 1.430 tỉ đồng. Thời gian thực hiện (dự kiến) từ 2020-2025. Sở VHTT cũng kiến nghị được áp dụng một số cơ chế đặc thù, trong đó cho phép mời tư vấn quản lý dự án, tư vấn thiết kế, đề xuất các phương án thiết kế kiến trúc để lựa chọn nhưng không tổ chức thi quốc tế.
Bảo tàng mới có 5 khu chức năng chính và các khu chức năng phụ trợ, điển hình như: giới thiệu tổng quan vùng đất TP.HCM từ Sài Gòn thời tạo dựng đến nay; các di sản vật thể - phi vật thể; phong trào yêu nước kháng chiến trước 1930; sự ra đời của các tổ chức cộng sản và sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; nhân vật lịch sử - văn hóa của TP.HCM…
Phan Diệu