Theo quy định, mật độ đường giao thông phải đạt 10 - 13 km/km2 thì TP.HCM chỉ mới đạt 2,41km/km2, thấp hơn khoảng 5 lần; tỷ lệ đất giao thông phải đạt từ 24% - 26% thì TP chỉ mới đạt 14,16%.
Sự kiện

TP.HCM đưa ra 2 nhóm giải pháp kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông

Hồ Quang 20:50 08/11/2024

Theo quy định, mật độ đường giao thông phải đạt 10 - 13 km/km2 thì TP.HCM chỉ mới đạt 2,41km/km2, thấp hơn khoảng 5 lần; tỷ lệ đất giao thông phải đạt từ 24% - 26% thì TP chỉ mới đạt 14,16%.

Mật độ đường giao thông bình quân thấp hơn quy định đến 5 lần

Thời gian qua, dù TP.HCM đã có nhiều giải pháp để kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông như: mở rộng mật độ giao thông so với diện tích đất đô thị, xây dựng cầu vượt, hầm chui... nhưng tình trạng kẹt xe vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng, không chỉ vào giờ cao điểm mà ngay cả những khung giờ bình thường.

tphcm-dua-ra-2-nhom-giai-phap-keo-giamptinh-trang-un-tac-giao-thong-hinh-anh.png
Tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra tại cầu vượt Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: PV

Người dân TP.HCM vẫn luôn chịu cảnh chen chúc, mệt mỏi khi lưu thông qua một số tuyến đường như: Cách Mạng Tháng Tám, Cộng Hòa, Nguyễn Hữu Thọ, Âu Cơ, Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Điện Biên Phủ, Lý Thường Kiệt, Trường Chinh, cầu Kênh Xáng, Trường Sơn, Hồng Bàng, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng, quốc lộ 1, quốc lộ 50,...

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, thời gian qua, TP đã quan tâm đầu tư phát triển mạnh hệ thống hạ tầng giao thông, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố ước đạt 2,41km/km2, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị ước đạt 14,16%.

Tuy nhiên các số liệu nêu trên còn rất thấp so với quy định là mật độ đường giao thông phải đạt 10 - 13 km/km2, tỷ lệ đất giao thông phải đạt từ 24% - 26%.

Ngoài ra, số lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng; vận tốc lưu thông trung bình trên địa bàn TP rất thấp (chỉ đạt 36km/giờ), một số khu vực có tốc độ thấp hơn như trung tâm TP (33km/giờ), cửa ngõ phía nam TP (25km/giờ),…

Bên cạnh đó, Sở GTVT TP.HCM cho biết, tình trạng kẹt xe ở TP ngày càng tăng còn ảnh hưởng bởi các yếu tố như ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, ảnh hưởng của các công trình rào chắn thi công, thời tiết mưa lớn... dẫn đến tình hình giao thông trên địa bàn TP còn phức tạp.

2 nhóm giải pháp kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông

Trước tình hình trên, chiều 7.11, bà Nguyễn Thị Việt Thu - Chánh văn phòng Sở GTVT TP.HCM, cho biết sở sẽ tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện 2 nhóm giải pháp chính là giải pháp công trình và giải pháp phi công trình.

Cụ thể, ở giải pháp công trình, TP sẽ tập trung triển khai đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030 (ưu tiên khép kín Vành đai 2; xây dựng mới cầu Thủ Thiêm 3, 4, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa kết nối với nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; mở rộng quốc lộ 13, quốc lộ 50, đường Trường Chinh, đường Tân Kỳ Tân Quý, đường Nguyễn Duy Trinh; cải tạo các nút giao như An Phú, Mỹ Thủy, 4 Xã, Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ,…); ưu tiên đầu tư các công trình vừa chống ngập, vừa mở rộng đường giao thông để kéo giảm ùn tắc giao thông , và hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai 5 dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) theo Nghị quyết 98/2023/QH15 gồm: nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh giới tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh giới tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến lức Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Đối với giải pháp phi công trình, bà Thu cho biết TP tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nghị quyết, chỉ thị,… về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; nghị quyết của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025; Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 6.2. 2023 của Thành ủy TP.HCM về tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP...

Ngoài ra, TP sẽ thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông hợp lý, linh hoạt, khoa học nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, TP cũng phát huy hiệu quả của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị trong công tác quản lý, điều hành giao thông, hỗ trợ công tác xử lý vi phạm, cung cấp thông tin giao thông trực tuyến…

Thành phố cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn; tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí cung cấp kịp thời thông tin về tình hình giao thông trên địa bàn; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công tác quản lý hoạt động giao thông vận tải; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin…

Bài liên quan
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận trách nhiệm về ùn tắc giao thông thời gian qua
“Thay mặt ngành giao thông và các địa phương, chúng tôi xin nhận trách nhiệm với các doanh nghiệp về tình trạng ùn tắc giao thông ở một số nơi thời gian qua”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM đưa ra 2 nhóm giải pháp kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông