Toàn bộ 4 lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM đã được TP chi tiền hỗ trợ lên đến hàng trăm tỉ đồng.

TP.HCM hỗ trợ gần 400 tỉ đồng cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch

Hồ Quang | 27/11/2021, 16:38

Toàn bộ 4 lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM đã được TP chi tiền hỗ trợ lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Liên quan đến việc thực hiện chế độ chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết của HĐND TP.HCM, ngày 27.11, Sở Y tế cho biết đã thực hiện chi tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 9 và Nghị quyết 12 lên đến gần 1.000 tỉ đồng.

Trong đó, thực hiện Nghị quyết 12, TP đã hỗ trợ tiền cho 4 lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19 gồm: lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp (lấy mẫu xét nghiệm, thăm khám, điều trị bệnh nhân COVID-19, lực lượng tham gia vận chuyển F0...); lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp (tham gia quản lý, điều hành, điều phối hoạt động phòng chống dịch, lực lượng tuyến đầu không thuộc chuyên môn y tế thực hiện công việc gián tiếp tại các bệnh viện điều trị COVID-19, cơ sở cách ly tập trung); lực lượng tình nguyện viên được TP huy động tham gia phòng chống dịch; lực lượng tình nguyện viên được Bộ Y tế huy động tham gia tuyến đầu phòng chống dịch, chi viện cho TP.HCM.

tphcm-ho-tro-gan-400-ty-dong-cho-cac-luc-luong-tuyen-dau-chong-dich-hinh-anh(1).png
Lực lượng y tế tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM - Ảnh: PV 

Đến nay, TP đã phân bố kinh phí cho các đơn vị trực thuộc và 8 đơn vị bộ ngành. Hiện các đơn vị đã chi cho 43.083 người với tổng số tiền là 294.145.000.000 đồng. Ngoài ra, UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức cũng đã chi cho 42.621 người với tổng số tiền 83.827.000.000 đồng.

Như vậy, tính đến thời điểm này tổng tiền mà TP.HCM chi hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19 là 377.972.000.000 đồng.

Riêng thực hiện Nghị quyết 9, TP đã hỗ trợ 592 tỉ đồng tiền ăn cho người bị cách ly và lực lượng tham gia phòng chống dịch COVID-19 gồm những người điều trị COVID-19 (F0), những người phải cách ly y tế (F1); người tham gia công tác phòng chống dịch. Trong đó, các trường hợp F0 và F1 được hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày; những người tham gia phòng chống dịch được hỗ trợ 120.000 đồng/người/ngày.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong gần 2 năm xuất hiện dịch bệnh COVID-19, nhất là trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, TP đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch nên huy động rất nhiều lực lượng tham gia. Trong đó, nhiều mô hình, cách làm hiệu quả trong phòng chống dịch tại TP như: mô hình “tháp 3 tầng” trong phân tầng điều trị COVID-19; mô hình chăm sóc F0 tại nhà; mô hình trạm y tế lưu động; mô hình tư vấn F0 từ xa qua tổng đài 1022; mô hình cải biến xe vận tải hành khách và xe taxi thành xe vận chuyển người bệnh; mô hình tổ y tế từ xa; mô hình chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng; mô hình bệnh viện “chị- em”; mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng ; mô hình H.O.P chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm SARS-Cov-2 tại Bệnh viện Hùng Vương…

Dù đã được tạo điều kiện thuận lợi nhưng Sở Y tế TP.HCM thừa nhận công tác phòng chống dịch COVID-19 của TP vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, công tác dự báo chưa theo kịp với diễn biến thực tế của dịch bệnh, biến chủng Delta lây lan rất nhanh với chu kỳ dưới 48 giờ, khi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên ở bệnh viện thì dịch đã xâm nhập sâu vào cộng đồng. Việc tổ chức cách ly toàn bộ F0, F1 trước đây cũng như xét nghiệm RT- PCR để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng đã không phù hợp với biến chủng Delta.

Kỹ thuật và năng lực xét nghiệm RT- PCR của TP chưa tương xứng với tốc độ lây lan của biến chủng Delta nên đã không kịp bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng. Công tác tổ chức xét nghiệm, tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở nhiều nơi không đảm bảo giãn cách làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Đặc biệt, hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng còn quá yếu, không sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh mới nổi bùng phát, lan rộng nên dẫn đến quá tải và vượt ngưỡng năng lực điều trị tại tất cả các cơ sở cách ly, điều trị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM hỗ trợ gần 400 tỉ đồng cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch