Sáng 23.8, lực lượng quân đội và công an ở TP.HCM siết chặt giãn cách, nhiều người dân xuất trình giấy đi đường không hợp lệ vẫn phải quay đầu về.
Từ 0 giờ ngày 23.8, TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội, các chốt kiểm soát trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Từ 6 giờ sáng nay, những người dân, lao động, công chức viên chức nằm trong nhóm được ra đường phải có giấy đi đường, dấu hiệu nhận diện, riêng công chức thì mặc đồng phục theo hướng dẫn của thành phố.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, từ 6 giờ sáng tại chốt kiểm soát của Q.Bình Thạnh ở đường Bạch Đằng - Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phan Đăng Lưu, Đinh Bộ Lĩnh,... có lực lượng chức năng gồm CSGT, dân quân tự vệ, bộ đội kiểm tra nghiêm ngặt giấy tờ của người ra đường.
Nhiều người chạy xe ra đường đã không trình được giấy đi đường do cơ quan chức năng cấp, thay vào đó là các giấy của công ty, xí nghiệp trong các lĩnh vực khác. Nhiều người ngạc nhiên khi được lực lượng trực chốt cho xem mẫu giấy đi đường.
Tại chốt Đinh Bộ Lĩnh, anh N.B.K (45 tuổi) làm việc tại công ty tư nhân trên địa bàn Q.Bình Thạnh trình giấy đi đường khi bị CSGT yêu cầu quay đầu giải thích vì: "Qua chủ nhật công ty không làm nên không cấp kịp mẫu mới" nên xin CSGT được qua chốt để đến công ty lấy giấy đi đường.
Khi được CSGT đồng ý, anh K. thắc mắc: "Giấy đi đường mẫu mới này mình lên mạng tải về hay sao ta?" khiến CSGT lắc đầu, yêu cầu anh về công ty đọc lại thông báo mới của UBND TP.
Anh L. (35 tuổi) cũng xuất trình giấy đi đường do công ty trong lĩnh vực thực phẩm của mình cấp và hỏi công an: "Giấy này hợp lệ không anh?". Công an đã nhắc anh quay đầu và cho biết giấy này không hợp lệ.
Trong thời gian siết chặt giãn cách tại TP.HCM, lực lượng chức năng sẽ thường xuyên tuần tra kết hợp chốt chặn kiểm soát hoạt động 24/24 tại các khu vực quan trọng trong thành phố.
TP.HCM sẽ có 12 chốt kiểm soát cấp thành phố và 251 chốt, trạm cấp quận, huyện. Lực lượng quân đội sẽ được thu xếp để ở lại ngay tại phường, xã, thị trấn nơi đang làm nhiệm vụ để hạn chế di chuyển.
Tại các chốt kiểm soát, các lực lượng trực chỉ giải quyết cho đúng các đối tượng được phép ra đường theo quy định của UBND TP.HCM. Các trường hợp còn lại nếu được xác định là vi phạm Chỉ thị 16 sẽ bị xử lý và yêu cầu quay về.
Từ ngày 23.8, người không thuộc trong 16 nhóm đối tượng được ra đường hoặc không mang đầy đủ giấy tờ hợp lệ đều sẽ bị từ chối khi đi qua chốt kiểm soát dịch.
Trước đó, vào tối 22.8, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã làm lễ xuất quân thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19. Cùng thời điểm tại 20 quận huyện còn lại và TP Thủ Đức cũng diễn ra lễ xuất quân với sự tham gia của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an được tăng cường từ các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 7, nhằm hỗ trợ thành phố đẩy nhanh tiến độ kiểm soát dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, trong chiến dịch “thần tốc” từ 0 giờ ngày 23.8 đến 15.9, trên 58.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân thường trực sẽ thực hiện các nhiệm vụ: thành lập Tổ Y tế cơ động làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, tiêm vaccine, tư vấn hỗ trợ điều trị F0 tại nhà; tổ chức tuần tra, chốt chặn tại 12 chốt kiểm soát cấp thành phố và 251 chốt, trạm quận huyện.
Đồng thời, lực lượng trên sẽ thực hiện công tác hỗ trợ 21 quận huyện và TP Thủ Đức triển khai gói an sinh, đi chợ giúp dân, kết hợp tuyên tuyền đến từng hộ dân để người dân chấp hành “ai ở đâu ở yên đó”, không ra khỏi nhà.
Trung tướng Nguyễn Văn Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM nhấn mạnh: "Thành phố đang ở giai đoạn hết sức khó khăn do dịch COVID-19. Đây là trận chiến mang tính chiến lược. Quân đội, công an và các lực lượng đoàn thể địa phương đều quyết tâm đồng tâm hiệp lực để dập dịch. Đề nghị lãnh đạo địa phương, từng ngõ hẻm phải dán số điện thoại của cán bộ chiến sĩ, dân quân thường trực phụ trách tại mỗi tổ dân phố. Khi dân cần, chúng ta ngay lập tức có mặt".