Dù đã có nhiều tháo gỡ trong công tác đấu thầu mua sắm nhưng mới đây, một số cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM lại tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu thuốc, gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh và ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh nhân.
Thông tin Y học

TP.HCM làm gì để không còn tình trạng thiếu thuốc?

Hồ Quang 18:01 15/08/2024

Dù đã có nhiều tháo gỡ trong công tác đấu thầu mua sắm nhưng mới đây, một số cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM lại tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu thuốc, gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh và ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh nhân.

Chưa có thông tư hướng dẫn về Luật Đấu thầu

Có thể nói, TP.HCM là nơi tập trung nhiều bệnh viện có quy mô lớn với nhiều chuyên khoa; là tuyến điều trị cuối, tiếp nhận các ca nặng từ nhiều địa phương khác nên nhu cầu về thuốc phòng, chữa bệnh rất lớn, vật tư y tế, đặc biệt là các thuốc chuyên khoa đặc trị là rất lớn.

tphcm-lam-gi0de-khong-con-tinh-trang-thieu-thuoc-lao-di-lap-lai-hinh-anh.png
Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - chia sẻ với báo chí về tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP vào chiều 15.8 - Ảnh: PV

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều cơ sở y tế tại TP.HCM liên tiếp rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, khiến cho công tác khám và điều trị bệnh nhân gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Thậm chí, các bệnh viện lớn thiếu vật tư y tế phải chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế ngoài công lập để làm các kỹ thuật cận lâm sàng.

Chia sẻ về tình trạng trên, chiều 15.8, bác sĩ Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ 1.1.2024 nhưng chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn kịp thời, có thể dẫn đến chậm tiến độ mua sắm thuốc, vật tư y tế của các cơ sở y tế công lập. Vì thế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã chủ động rà soát nhu cầu sử dụng thuốc, vật tư y tế để thực hiện mua sắm dự trữ cho quá trình chuyển tiếp và thời gian chờ ban hành các hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.

Đến nay, về cơ bản, TP vẫn đủ thuốc đáp ứng cho nhu cầu điều trị. Một số thuốc bị gián đoạn tạm thời đã được các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mua sắm bổ sung bằng nguồn cung ứng khác, hoặc sử dụng các phác đồ điều trị thay thế.

Ngoài ra, Sở Y tế thường xuyên theo dõi tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế của các cơ sở y tế công lập trực thuộc và kịp thời điều phối thuốc, vật tư y tế giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

“Chúng tôi đã đã thành lập các tổ công tác liên quan đến việc cung ứng thuốc như: Tổ hỗ trợ công tác cung ứng thuốc tại các đơn vị, Tổ bảo hiểm y tế, Tổ công tác triển khai các quy định về đấu thầu thuốc. Các tổ công tác này đã hỗ trợ tích cực giúp đơn vị giải quyết các trường hợp khó khăn, vướng mắc”, bà Như nói.

Theo bà Như, hiện nay Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu và sản xuất thuốc. Tại một số thời điểm, nguồn cung ứng thuốc bị ảnh hưởng của dịch bệnh và các cuộc xung đột trên thế giới. Do đó, việc thiếu hụt thuốc có thể xảy ra khi nhu cầu thuốc tăng đột biến như các đợt bệnh đau mắt đỏ, tay chân miệng...

Ngoài ra, đã có nhiều trường hợp thuốc chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, nhất là đối với thuốc phục vụ nhu cầu điều trị đặc biệt, do thuốc không sẵn có trên thị trường và thường chưa có số đăng ký lưu hành trong khi nhu cầu thường phát sinh đột xuất; thuốc có nhu cầu sử dụng thấp, không thường xuyên nên ít được sản xuất; thuốc có giá thành rất cao trong khi có nhu cầu sử dụng thường rất thấp và nguy cơ hủy thuốc cao sau mua sắm nếu không có ca bệnh sử dụng nên các cơ sở y tế không mua dự trữ.

Đối với thuốc hiếm, các đơn vị đã chủ động lập kế hoạch đấu thầu mua sắm, dự trù đơn hàng nhập khẩu để kịp thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Trong thực tiễn, để đảm bảo công tác điều trị, ngành y tế TP đã chủ động, kịp thời xử lý một số tình huống khẩn cấp.

Hi vọng vào Đề án phát triển công nghiệp dược TP.HCM

Để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, vật tư y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM trong thời gian tới, bà Như cho biết Sở Y tế sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế công lập thuộc phạm vi quản lý khẩn trương triển khai công tác mua sắm thuốc ngay khi có nghị định và thông tư hướng dẫn về đấu thầu thuốc, vật tư; chủ động giải quyết các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo đúng thẩm quyền và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu.

Sở Y tế cũng đã triển khai chạy thử phần mềm tra cứu thuốc cấp cứu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn với mục đích có thể tìm kiếm nhanh nhất các thuốc cấp cứu đang tồn kho tại các cơ sở y tế, từ đó điều chuyển ngay đến nơi đang cần thuốc.

Mới đây, ngày 10.7.2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2024/NĐ-CP về việc thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.

Đối với lĩnh vực dược, TP có thẩm quyền quyết định cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của TP. Việc phân cấp này sẽ giúp rút ngắn thời gian tổng hợp nhu cầu thuốc của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn và thời gian chuẩn bị hồ sơ của cơ sở nhập khẩu.

“Thành phố cũng sẽ chủ động theo dõi sát tình hình cung ứng thuốc và mô hình bệnh tật để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu thuốc kịp thời; theo dõi tiến độ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với hồ sơ cấp phép nhập khẩu thuốc để nhanh chóng giải quyết nhu cầu thuốc điều trị cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố”, bà Như cho biết thêm.

Để phát huy mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả phân cấp quản lý Nhà nước và trong khi chờ Bộ Y tế thành lập các Trung tâm dự trữ thuốc quốc gia, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ tham mưu UBND TP trình Hội đồng nhân dân về triển khai thí điểm dự trữ cơ số các nhóm thuốc cấp cứu, thuốc hiếm cho nhu cầu cấp bách để có thể điều tiết sử dụng ngay khi phát sinh ca bệnh cần điều trị.

Đặc biệt, UBND TP cũng đã ban hành Quyết định số 657/QĐ-UBND ngày 4.3.2024 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp dược TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, dự kiến Khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đưa vào hoạt động từ sau năm 2031. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đảm bảo an ninh thuốc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.

Bài liên quan
Thiếu thuốc chữa bệnh: Khó mua hàng tốt, còn hàng kém lại 'lọt khe cửa hẹp' để trúng thầu giá rẻ
Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được thuốc chữa bệnh chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới, trong khi đó rất nhiều hàng chất lượng kém vẫn lọt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM làm gì để không còn tình trạng thiếu thuốc?