UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế chuẩn bị các kịch bản, phương án ứng phó với tình hình dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều quy mô khác nhau, đối tượng khác nhau, môi trường khác nhau ở cấp thành phố.
Ngày 16.3, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế chuẩn bị các kịch bản, phương án ứng phó với dịch COVID-19. Đồng thời, hướng dẫn UBND các quận huyện xác định các nhiệm vụ tại chỗ và phương án tại chỗ trong các tình huống dịch bệnh khác nhau; phát huy hiệu quả phương châm 5 tại chỗ, bình tĩnh ứng phó mọi tình huống.
Cơ quan này cũng được giao tăng cường kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam cả ba con đường: hàng không, đường bộ, đường thủy, trọng tâm là người đến từ vùng có dịch. Qua đó, tổ chức sàng lọc những người có nguy cơ nhiễm bệnh.
Cạnh đó, Sở Y tế cần thực hiện nghiêm việc theo dõi tình hình sức khoẻ của người đang được giám sát tại các khu cách ly tập trung, nơi cư trú, lưu trú, khách sạn. Sở phải đảm bảo đầy đủ trang phục bảo hộ, các phương tiện chống dịch, chế độ cho nhân viên y tế, không để bị nhiễm bệnh COVID-19 trong quá trình làm nhiệm vụ.
Sở Thông tin - Truyền thông được giao thực hiện truyền thông trên diện rộng. Đặc biệt, cơ quan này quản lý chặt chẽ mức độ, liều lượng thông tin tuyên truyền, không gây tâm lý “hoang mang” nhưng cũng không tạo tâm lý “chủ quan” trong công tác phòng chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các hành vi tung tin, bịa đặt gây ảnh hưởng tiêu cực trong phòng, chống dịch bệnh.
Những trường hợp nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để giám sát, khoanh vùng kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Việc tự cách ly và thông báo cho chính quyền địa phương, gia đình, bạn bè, người thân về nguy cơ nhiễm dịch bệnh COVID-19 là trách nhiệm, quy tắc sống cần tuân thủ.
Sở Công Thương và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại (Sài Gòn Coop) làm việc với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, dung dịch rửa tay kháng khuẩn, xà phòng diệt khuẩn đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu của học sinh, cán bộ, công chức và nhân dân thành phố. Sở Công Thương cần tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, tăng giá; không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, thực hiện bình ổn giá để phục vụ nhân dân.
Bộ Tư lệnh TP.HCM có phương án triển khai các khu cách ly tập trung, phối hợp Công an TP huy động toàn lực lượng, tập huấn, xây dựng các phương án ứng phó với dịch bệnh trong phương án của toàn thành phố khi dịch bệnh lan rộng.
UBND quận huyện có trách nhiệm tăng cường triển khai hoạt động giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nghi vấn để thực hiện các biện pháp y tế, khoanh vùng. Ngoài ra, thực hiện cách ly hợp lý những người có nguy cơ lây nhiễm theo mức độ; quản lý, giám sát chặt chẽ những người đang được cách ly tại nhà, nơi lưu trú; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực hoặc trốn khỏi nơi cách ly.
Để phòng ngừa dịch COVID-19 trong khuôn viên 86 Lê Thánh Tôn, quận 1, UBND TP.HCM đã yêu cầu tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các đơn vị trong khuôn viên này từ ngày 16.3.2020 đeo khẩu trang từ nhà đến nơi làm việc.
Đối với việc tổ chức hội họp, trong giấy mời cần ghi rõ thành viên đến dự họp phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, các cuộc họp đảm bảo không quá 50 người. Ngoài đeo khẩu trang, người dự họp còn phải ngồi cách nhau ít nhất 1,5m; hạn chế việc bắt tay, trao đổi ở cự li gần; rửa tay trước và sau cuộc họp. Văn phòng UBND TP.HCM cần tiến hành vệ sinh phòng họp hàng ngày, sau mỗi cuộc họp; tổ chức họp trực tuyến nhằm tránh tập trung đông người trong trụ sở.
Đối với việc vào trụ sở 86 Lê Thánh Tôn, Văn phòng cũng được giao bố trí lực lượng, tổ chức kiểm tra từ cổng vào (thân nhiệt và đeo khẩu trang) đối với tất cả mọi người vào trong khuôn viên 86 Lê Thánh Tôn.
Phan Diệu