Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên địa bàn TP.HCM dự kiến bắt đầu từ ngày 31.8 và xuyên lễ Quốc khánh 2.9 nhằm ngăn chặn tình trạng bệnh nhi mắc bệnh sởi trên địa bàn TP đang gia tăng chóng mặt.
Ngày 29.8, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong năm 2024, bệnh sởi bắt đầu xuất hiện tại TP. Từ ngày 23.5 và đến ngày 27.8 vừa qua TP đã ghi nhận đến 432 ca mắc sởi. Trong đó, đã có 3 ca tử vong liên quan đến sởi là những trẻ có bệnh bẩm sinh.
Theo Sở Y tế số ca sởi tăng nhanh ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, chiếm gần 3/4 và đang có xu hướng dịch chuyển lên nhóm tuổi lớn hơn. Bệnh nhân từ tỉnh chiếm 55,8% số bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện của TP.
Đến thời điểm này, toàn bộ 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức đều có ca mắc sởi, trong đó 16 quận, huyện đủ điều kiện công bố dịch.
Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh chưa đạt, còn dưới 95%; gần 20% trẻ trên địa bàn nhưng có địa chỉ tỉnh khác, dẫn đến việc trạm y tế không biết để mời tiêm, điều này góp phần làm giảm tỷ lệ bao phủ vắc xin trên địa bàn.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP đang tích cực chuẩn bị nguồn vắc xin để triển khai Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ; tiêm bù cho trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi, nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc với người mắc sởi, nhân viên y tế chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao; tổ chức tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi cho các nhóm đối tượng theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND TP một cách an toàn, hiệu quả trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt triển khai ngay cho nhóm đối tượng từ 1-5 tuổi trước khi trẻ đi học lại. TP dự kiến sẽ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi từ ngày 31.8 và tổ chức tiêm xuyên kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9.
Ngoài ra, TP cũng tăng cường giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ổ dịch sởi từ đó kịp thời ngăn chặn không để ổ dịch lan rộng, kéo dài.
Triển khai các kịch bản xử lý ca bệnh, ổ dịch sởi gồm: xử lý ca tản phát, ổ dịch trong trường học, ổ dịch tại cộng đồng… Thường xuyên giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại các quận huyện; đặc biệt chú trọng phòng chống dịch trong trường học, trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
Về công tác thu dung, điều trị, Sở Y tế TP.HCM cho biết tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức, hướng dẫn và yêu cầu người bệnh sởi, hoặc nghi ngờ sởi, hoặc có triệu chứng hô hấp phải mang khẩu trang khi đi khám bệnh; bố trí khu vực tiếp nhận bệnh sởi và nghi ngờ mắc sởi riêng biệt trước khi có chẩn đoán xác định bệnh sởi.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế phải đảm bảo công tác khám, chẩn đoán và điều trị người bệnh sởi tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, bảo đảm đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất cần thiết đáp ứng kịp thời cho công tác chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa sởi trong bệnh viện. Triển khai các giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ đang điều trị nội trú, ngoại trú tại bệnh viện để được chăm sóc, quản lý kịp thời.