Sở Y tế TP.HCM vừa thành lập Tổ chuyên gia điều trị bệnh sởi trên địa bàn TP. Các chuyên gia trong tổ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức, cấp cứu và các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em.
Thông tin Y học

Số ca mắc bệnh sởi gia tăng, TP.HCM lập tổ chuyên gia điều trị

Hồ Quang 17/06/2024 15:35

Sở Y tế TP.HCM vừa thành lập Tổ chuyên gia điều trị bệnh sởi trên địa bàn TP. Các chuyên gia trong tổ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức, cấp cứu và các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em.

Theo đó, Tổ chuyên gia điều trị bệnh sởi của TP.HCM có 19 bác sĩ đang công tác tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối của TP (Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

benh-soi-bung-phat-tphcm-thanh-lap-to-chuyen-gia-dieu-tri-benh-soi-hinh-anh.png
Tiêm phòng sởi cho trẻ tại một cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: PV

Họ là các chuyên gia đầu ngành về hồi sức, cấp cứu và bệnh truyền nhiễm, gồm: BS Trương Hữu Khanh, BSCK2 Đinh Tấn Phương, PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên (Bệnh viện Nhi đồng 1); BSCK2 Đỗ Châu Việt, BSCK2 Vũ Hiệp Phát (Bệnh viện Nhi đồng 2); BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, BSCK2 Nguyễn Trần Nam, BSCK2 Nguyễn Hữu Nhân; TS-BS Huỳnh Trung Triệu, TS-BS Phan Tứ Quí, BSCK2 Lư Lan Vi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM)…

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sởi, tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 24 tháng tuổi. Sở Y tế đề nghị các bệnh viên công và ngoài công lập; trung tâm y tế và phòng y tế các quận, huyện cùng trung tâm kiểm soát bệnh tật chủ động rà soát các nguồn lực, củng cố hoạt động tại các khoa, đơn vị điều trị bệnh truyền nhiễm, dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, thiết bị y tế, vật tư y tế đảm bảo kịp thời tiếp nhận điều trị người bệnh theo phân tuyến; rà soát, củng cố quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú.

Ngoài ra, các đơn vị trên phải tuân thủ thực hiện Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi của Bộ Y tế và các tài liệu, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, Sở Y tế; đồng thời tổ chức tập huấn lại cho tất cả nhân viên y tế tại đơn vị.

Đảm bảo công tác khám và chẩn đoán bệnh sởi kịp thời, đánh giá đúng tình trạng bệnh để phát hiện sớm và thực hiện cách ly đối với các trường hợp nghi sởi hoặc mắc sởi; chỉ định nhập viện bệnh sởi theo đúng hướng dẫn, đúng tuyến điều trị để tránh quá tải và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Đối với các trường hợp người bệnh sởi trở nặng, nguy kịch, Sở Y tế đề nghị các đơn vị chủ động hội chẩn với Tổ chuyên gia điều trị bệnh sởi của TP để được hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn hoặc chuyển người bệnh đến các bệnh viện tuyến cuối để tiếp tục điều trị.

Sở Y tế cũng lưu ý trước khi chuyển viện, đơn vị phải thực hiện hội chẩn với bệnh viện tuyến trên để chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận người bệnh và đảm bảo chuyển viện an toàn; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP thực hiện điều tra, và lấy mẫu bệnh phẩm tất cả các trường hợp sốt phát ban dạng sởi đến khám hoặc nhập viện để xét nghiệm chẩn đoán xác định nguyên nhân.

Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh sởi tại đơn vị, tuân thủ các quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh sởi đối với tất cả người bệnh, thân nhân và nhân viên y tế tại đơn vị.

Đối với 3 bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối của TP, Sở Y tế đề nghị các đơn vị chủ động chuẩn bị các nguồn lực (thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế, giường bệnh...) sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp bệnh sởi nặng từ các cơ sở y tế trên địa bàn TP và các tỉnh, thành khác chuyển đến; phối hợp với Tổ chuyên gia điều trị bệnh sởi của TP tăng cường công tác hội chẩn, tư vấn và hỗ trợ chuyên môn đối với các bệnh viện tuyến dưới theo phân tuyến và các bệnh viện theo hệ thống chỉ đạo tuyến được Bộ Y tế phân công; tiếp tục duy trì hoạt động giao ban chuyên môn định kỳ với các bệnh viện tuyến cuối của các tỉnh, thành phố phía Nam về công tác điều trị bệnh sởi và các bệnh lý truyền nhiễm khác đang lưu hành.

Riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng chống, khuyến khích người dân tiêm vắc xin để chủ động phòng chống bệnh cho bản thân và gia đình; đồng thời khuyến cáo phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ để kịp thời thăm khám tại các cơ sở y tế; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; phối hợp với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TP triển khai thực hiện hoạt động điều tra và giám sát trường hợp mắc sởi và nghi sởi.

Bài liên quan
Thuốc trị bệnh sỏi tiết niệu có tác dụng chữa ung thư tuyến tụy
Các nhà khoa học Mỹ nhận thấy dùng thuốc thử nghiệm cysteinase được phát triển để điều trị bệnh sỏi thận và đường tiết niệu có thể làm phân rã cysteine trong máu khiến các tế bào ung thư tuyến tụy bị bỏ đói và chết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lãnh đạo Việt Nam - LB Nga nhất trí về 5 định hướng lớn trong hợp tác song phương
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin (Vladimir Putin) đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 6 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số ca mắc bệnh sởi gia tăng, TP.HCM lập tổ chuyên gia điều trị