Thời tiết giao mùa, chuyển sang nồm ẩm là môi trường thuận lợi để bệnh tật bùng phát, đặc biệt là bệnh sởi, thủy đậu.

Bác sĩ khuyến cáo về bệnh sởi, thủy đậu khi giao mùa

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 13/02/2023, 08:37

Thời tiết giao mùa, chuyển sang nồm ẩm là môi trường thuận lợi để bệnh tật bùng phát, đặc biệt là bệnh sởi, thủy đậu.

Những ngày gần đây, các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận rải rác ca bệnh thủy đậu, sởi, cúm; các bệnh nhi đến khám chủ yếu có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở… 

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bác sĩ Nghiêm Thị Sang Mai - Phó trưởng khoa Nhi cho biết những ngày qua số lượng bệnh nhi đến khám có xu hướng gia tăng, đa số trẻ mắc các bệnh như viêm phế quản, tiểu phế quản và một số bệnh truyền nhiễm như cúm, thủy đậu, sởi... Sởi và thủy đậu đều là bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ em, có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, thường bùng phát vào mùa đông hằng năm, kéo dài cho tới hết mùa xuân.

Thời tiết thay đổi chuyển sang nồm ẩm như hiện nay thì trẻ em do sức đề kháng kém nên rất dễ ốm (bệnh), nền nhiệt độ ẩm thấp tạo điều kiện cho các vi rút gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, rubella phát triển gây bệnh... Những trường hợp nặng sẽ buộc phải nhập viện điều trị, còn những trường hợp nhẹ, trẻ không cần thiết phải nhập viện mà sẽ được bác sĩ hướng dẫn theo dõi, điều trị tại nhà.

Bệnh sởi, thủy đậu rất dễ lây lan, nhất vào dịp tết khi mọi người thường tiếp xúc, gặp gỡ nhau nhiều hơn ngày thường. Thủy đậu và sởi đe dọa nghiêm trọng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mẹ bầu, người có hệ miễn dịch yếu, có thể gây những di chứng rất nặng đến hệ thần kinh. Nếu cùng lúc mắc thủy đậu, sởi với các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là bệnh hô hấp, người bệnh sẽ dễ diễn biến nặng (viêm phổi, viêm não, suy hô hấp...), nhập viện và tử vong.

tiem-vacxin-tre-em-2.jpg
Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan và phát triển của bệnh sởi, thủy đậu

TS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) nói rằng trẻ em là đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng sức khỏe do thời tiết nhất, chính vì thế cha mẹ nên nâng cao việc vệ sinh, giữ ấm đúng cách cho trẻ. Cha mẹ cũng cần cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, giữ môi trường nhà ở được đảm bảo khô thoáng, có thể sử dụng các thiết bị như điều hòa, máy hút ẩm để giảm bớt độ ẩm của phòng, trong nhà nhằm hạn chế vi rút, vi khuẩn phát triển gây bệnh.

Riêng đối với bệnh sởi, những triệu chứng của bệnh thường dễ bị nhầm lẫn thành các triệu chứng của những bệnh khác, bởi đây cũng có thể là triệu chứng của rôm sảy, rubella, thủy đậu... Do sự nhầm lẫn với các bệnh khác nên nếu không đến khám cụ thể, bệnh nhân thường sẽ không có cách phòng ngừa lây nhiễm hợp lý và điều trị không đúng cách. Điều này có thể làm cho bệnh sởi trở nên nặng hơn và cách phòng ngừa lây nhiễm không đúng có thể khiến bệnh lan rộng và trở thành dịch bệnh. Để ngăn chặn sự xâm nhập vi rút gây nên bệnh sởi vào cơ thể trẻ nhỏ, cách tốt nhất để phòng bệnh chính là tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ tiêm phòng từ sớm để bảo vệ sức khỏe của trẻ một cách tốt nhất.

Còn bệnh thủy đậu là căn bệnh xuất hiện do sự tấn công của vi rút Varicella Zoster (VZV) vào cơ thể con người. Đây là một trong các bệnh truyền nhiễm thường gặp vào mùa hè, lây trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với dịch mũi họng của người mang bệnh thông qua giao tiếp hằng ngày, ho hoặc hắt hơi, hoặc lây qua đồ dùng sinh hoạt của người bị nhiễm bệnh. Đối tượng thường dễ mắc thủy đậu nhất chính là trẻ nhỏ. Do đó, bảo vệ sức khỏe trước sự nguy hiểm của các tác nhân gây bệnh thủy đậu có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài sử dụng vắc xin phòng ngừa thủy đậu, người bị thủy đậu cần phải cách ly để hạn chế lây nhiễm đến người khác và phải cách ly cho đến khi mụn nước khô hoàn toàn. Với những người bị thủy đậu, nên ở phòng có cửa sổ riêng, thoáng mát, đảm bảo đủ ánh nắng mặt trời và cần phải điều trị đúng theo những hướng dẫn của bác sĩ.

tiem-vacxin-tre-em-4.jpg
Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh sởi, thủy đậu khi giao mùa xuân - hè vì sức đề kháng còn kém

Sởi, thủy đậu là những căn bệnh mùa hè gây nguy hiểm đến tính mạng con người, đặc biệt thường gặp ở trẻ em - những đối tượng chưa ý thức được mức độ nguy hiểm và mức độ quan trọng ngăn ngừa, phòng ngừa những căn bệnh này.

Bác sĩ Nam cũng khuyến cáo các gia đình, cha mẹ cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ tại gia đình để phòng các bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát mùa xuân như:

- Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.

- Giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần chú ý, giữ ấm nhưng không nên mặc quá nhiều áo cho trẻ, có thể làm trẻ bị toát mồ hôi và ngấm ngược lại vào cơ thể gây cảm lạnh.

- Tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người; khi bắt buộc phải đưa trẻ ra ngoài phải đeo khẩu trang cho trẻ.

- Giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sống của trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng đúng cách, vệ sinh mũi, họng hằng ngày cho trẻ.

- Cần cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
27 phút trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bác sĩ khuyến cáo về bệnh sởi, thủy đậu khi giao mùa