Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được đề xuất chiều chỉnh có chiều dài 139,6 km, trong đó tổng chiều dài tuyến và ga đi trên mặt đất là 100,77 km; chiều dài tuyến, ga đi trên cao và cầu vượt sông là 38,83 km.

TP.HCM muốn quy hoạch tuyến đường sắt 5 tỉ USD đi Cần Thơ

17/09/2018, 13:05

Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được đề xuất chiều chỉnh có chiều dài 139,6 km, trong đó tổng chiều dài tuyến và ga đi trên mặt đất là 100,77 km; chiều dài tuyến, ga đi trên cao và cầu vượt sông là 38,83 km.

TP.HCM muốn điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ - Ảnh: TL

Ngày 17.9, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải về điều chỉnh quy hoạch đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Tuyến đường sắt này đi qua địa bàn TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ với điểm đầu là ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) và điểm cuối là ga Cái Răng (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ).

Theo đó, đối với địa phận TP.HCM, UBND TP.HCM đề nghị giữ nguyên hướng tuyến từ ga lập tàu An Bình, tỉnh Bình Dương đến ga Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM; từ ga Tân Kiên, tuyến đi song song đường Tân Tạo - Chợ Đệm, tuyến vượt qua Rạch Tam, sông Chợ Đệm và nút giao Chợ Đệm của dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tuyến rẽ phải và đi song song với tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Đối với địa phận tỉnh Long An, tuyến tiếp tục đi trên cao song song tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương, vào ga Thanh Phú (là ga kết nối với nhánh đường săt ra cảng Hiệp Phước), tuyến đi trên cao vượt qua nút giao Bến Lức và sông Vàm cỏ Đông. Tuyến đường sắt này tiếp tục đi vượt qua khu vui chơi giải trí Happy Land và đi song song với tuyến đường bộ cao tốc vào ga Tân An. Sau đó, ra khỏi ga Tân An, tuyến vươt qua sông Vàm cỏ Tây, Quốc lộ 62 và đi hết địa phận tỉnh Long An.

Đặc biệt, toàn bộ hướng tuyến đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang được điều chỉnh về phía Tây so với hướng tuyến quy hoạch được duyệt. Tuyến đi vào tỉnh Tiền Giang sẽ đi chung hành lang an toàn tuyến đường bộ cao tốc (bên trái) qua ga Tam Hiệp, ga Cai Lậy và tiếp tục cặp theo tuyến đường bộ cao tôc vào ga Cái Bè. Sau đó, tuyến tiếp tục đi song song với tuyến đường bộ cao tốc, rẽ trái vượt qua Quốc lộ 1A đi về Mỹ Thuận (trùng với hướng tuyến theo phương án quy hoạch được duyệt) và đi hết địa phận tỉnh Tiền Giang.

Tại địa phận tỉnh Vĩnh Long, UBND TP.HCM cũng kiến nghị điều chỉnh hướng tuyến trùng với hướng tuyến quy hoạch được duyệt.

Còn tại địa phận TP.Cần Thơ, hướng tuyến được đề nghị điều chỉnh trùng với hướng tuyến quy hoạch được duyệt với chiều dài 139,60km (không tính đoạn tuyến từ ga lập tàu An Bình đến ga Tân Kiên), sử dụng chung hành lang an toàn tuyến đường bộ cao tốc (TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ). Việc này nhằm giảm thiểu việc chia cắt khu vực dân cư do tuyến đường sắt đi qua, thuận lợi trong quản lý ranh hành lang an toàn, đường gom và an toàn giao thông. Đồng thời, phát triển hướng tuyến về phía Tây của khu vực có quỹ đất đế phát triển và mở rộng các đô thị vệ tinh, tận dụng được các đầu mối giao thông liên kết của đường cao tốc.

Đáng chú ý, do điểm đầu từ ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh) thay vì ga An Bình (Bình Dương), UBND TP.HCM cũng đề xuất chỉ điều chỉnh hướng tuyến từ ga Tân Kiên đi Long An (khoảng 6,72km), trong đó có đoạn đi dọc theo tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương nên có thể xem xét đặt trong hành lang đường cao tốc.

Hồi tháng 3.2018, Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam đã ký kết với quỹ Morfund Canada về việc đầu tư dự án xây đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ. Dự án này có số vốn đầu tư lên đến 6,3 tỉ USD Canada (tương đương 5 tỉ USD).

Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được đề xuất chiều chỉnh có chiều dài 139,6 km, trong đó tổng chiều dài tuyến và ga đi trên mặt đất là 100,77 km; chiều dài tuyến, ga đi trên cao và cầu vượt sông là 38,83 km.

Còn tại quy hoạch được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2013, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có chiều dài 140,68 km gồm đoạn đi trên mặt đất là 63,77 km, đoạn đi trên cao và cầu vượt sông là 76,91 km.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ngoài việc tiết kiệm chi phí đầu tư, tuyến đường sắt theo quy hoạch mới sẽ đi chung với hàng lang an toàn của tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Như vậy, tuyến đường này qua khu vực ít dân cư sẽ giúp giảm thiểu khối lượng giải phóng mặt bằng, thuận tiện kết nối các phương thức vận tải.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM muốn quy hoạch tuyến đường sắt 5 tỉ USD đi Cần Thơ