Trước việc thị trường bất động sản bị ách tắc, “đứng hình”, nhiều doanh nghiệp gặp khó, TP.HCM đã lên phương án tháo gỡ để thúc thị trường phát triển. Hàng tuần, tổ công tác về đầu tư của TP.HCM sẽ họp để giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.

TP.HCM nỗ lực ‘giải cứu’ thị trường bất động sản

19/02/2020, 15:20

Trước việc thị trường bất động sản bị ách tắc, “đứng hình”, nhiều doanh nghiệp gặp khó, TP.HCM đã lên phương án tháo gỡ để thúc thị trường phát triển. Hàng tuần, tổ công tác về đầu tư của TP.HCM sẽ họp để giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.

TP.HCM tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc - Ảnh: Phan Diệu

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc

Tại buổi làm việc với Sở Xây dựng TP.HCM diễn ra chiều 18.2, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dự án cả ngàn tỉ đồng nhưng không cấp phép xây dựng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Chưa kể, nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, triển khai quá chậm mà nguyên nhân là do sự phối hợp của các sở ngành chưa đồng bộ, chưa rõ trách nhiệm.

Đơn cử như việc xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh khi điều chỉnh bị chậm dẫn đến việc cấp phép xây dựng cho các dự án bị chậm. Hay 20% quỹ nhà ở xã hội của các dự án có khi doanh nghiệp năn nỉ thành phố lấy nhưng các cơ quan của TP.HCM không trả lời dứt điểm, doanh nghiệp xin tự bán cũng không cho.

Do vậy, ông Hoan yêu cầu Sở Xây dựng phải đẩy nhanh để cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp không được để thị trường và doanh nghiệp “đứng hình” hết. Đồng thời, ông cũng giao Sở Xây dựng cùng các sở ngành liên quan trong năm 2020 phải số hóa dữ liệu nhà đất, trước mắt là tại những khu vực trung tâm và phối hợp đồng bộ để tổng rà soát lại quy hoạch.

Sở Xây dựng cũng phải tiến tới quản lý vấn đề xây dựng dựa trên thiết kế đô thị. Từ đó, giúp người dân, doanh nghiệp không phải xin giấy phép xây dựng. Mặt khác, nếu xây dựng được thiết kế đô thị sẽ tránh tình trạng chạy chỉ tiêu quy hoạch, phòng chống nhũng nhiễu, tham nhũng trong công tác cấp phép.

Lãnh đạo UBND TP.HCM còn chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở ngành tổng rà soát quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, nhất là quỹ nhà xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, xem xét để TP.HCM chọn nhà hay quy đổi thành tiền. Từ nguồn tiền này, thành phố sẽ phát triển những dự án nhà ở xã hội độc lập; đồng thời rà soát lại quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Ngoài ra, Sở tham mưu cho UBND TP.HCM giải pháp tăng cường quản lý, cũng như thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Đáng chú ý, trước thực trạng thị trường bất động sản TP.HCM sụt giảm mạnh, doanh nghiệp bất động sản khó khăn, tại buổi họp kinh tế - xã hội diễn ra sáng 18.2, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu các sở, ngành phải lắng nghe, tháo gỡ cho doanh nghiệp, nhất là các dự án được Chính phủ và bộ, ngành cho ý kiến để đẩy nhanh tiến độ.

TP.HCM đã thành lập tổ công tác về đầu tư để tháo gỡ khó khăn cho từng dự án do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong làm tổ trưởng. Ông Phong yêu cầu Văn phòng UBND TP.HCM sắp xếp lịch họp hàng tuần cho tổ công tác. Nếu các ngày trong tuần bận công việc thì có thể xếp lịch vào thứ bảy hoặc chủ nhật để giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp.

Cuối tuần này, lãnh đạo TP.HCM cũng sẽ gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe những khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp.

Tháo gỡ 12 chung cư hư hỏng nặng

Tại buổi làm việc với đoàn công tác UBND TP.HCM diễn ra chiều 18.2, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết sẽ tham mưu cho TP.HCM ban hành mẫu bản vẽ thiết kế đề nghị cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ theo dạng sơ đồ.

Theo đó, người dân có thể sử dụng chung một bản vẽ cho hai thủ tục cấp phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Sở cũng sẽ tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác cấp giấy phép xây dựng trong khu vực quy hoạch đất dân cư xây mới và quy hoạch đất hỗn hợp.

Trong năm 2020, Sở Xây dựng TP.HCM đặt ra chỉ tiêu phát triển thêm 8 triệu m2 diện tích sàn xây dựng nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn TP.HCM là 190,19 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân là 20,6m2/người.

Sở cũng cho phép khởi công và thi công xây dựng 10 chung cư; hoàn thành tháo dỡ 12 chung cư hư hỏng nặng; di dời 550 hộ dân của 9 chung cư cấp D còn lại; lựa chọn chủ đầu tư 4/15 chung cư cấp D còn lại.

Đồng thời, 100% công trình xây dựng trên địa bàn TP.HCM phải được kiểm tra và xử lý kịp thời, đúng quy định. 100% thủ tục hành chính của Sở áp dụng quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; 100% hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn; chỉ số hài lòng của người dân đạt trên 92%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%.

Bên cạnh đó, hoàn thành khối lượng quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khối lượng xử lý nước thải, bùn thải theo kế hoạch đề ra, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% tổng số vốn kế hoạch được giao.

Để thực hiện mục tiêu này, Sở Xây dựng TP.HCM cũng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận huyện tiếp tục thực hiện lập, phê duyệt các quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc và thiết kế đô thị chi tiết đảm bảo điều kiện cấp phép xây dựng theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, thành phố sớm ban hành quy định tạm thời về hướng dẫn nội dung trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM nỗ lực ‘giải cứu’ thị trường bất động sản