Dù chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng chính quyền cấp huyện và tỉnh Quảng Ngãi vẫn phê chuẩn cho doanh nghiệp san lấp đất phân lô bán nền. Bán gần hết thì lãnh đạo tỉnh mới ký quyết định xử phạt và phê duyệt ĐTM để thực hiện xây dựng dự án.

Quảng Ngãi: Cho doanh nghiệp bán đất xong tỉnh mới ký duyệt về môi trường

18/02/2020, 06:44

Dù chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng chính quyền cấp huyện và tỉnh Quảng Ngãi vẫn phê chuẩn cho doanh nghiệp san lấp đất phân lô bán nền. Bán gần hết thì lãnh đạo tỉnh mới ký quyết định xử phạt và phê duyệt ĐTM để thực hiện xây dựng dự án.

Dự án Khu dịch vụ và dân cư An Phú ở thị trấn huyện Mộ Đức vẫn còn nhiều nhà dân chưa di dời

Cấp tập ký duyệt cho xây và bán

Tháng 3.2017, Công ty cổ phần Đầu tư Đất Quảng (trụ sở tại Quảng Ngãi) trình lên giới chức tỉnh Quảng Ngãi thỏa thuận địa điểm và chủ trương thực hiện dự án Khu dịch vụ và dân cư An Phú tại trung tâm huyện Mộ Đức và được UBND tỉnh hoan nghênh, ủng hộ.

Tháng 4.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng ký quyết định thống nhất chủ trương cho Công ty Đất Quảng lập quy hoạch chi tiết dự án trên với diện tích khoảng 7,8ha; đồng thời giao công ty phối hợp với các sở ngành thực hiện các bước cũng như bổ sung dự án vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của huyện Mộ Đức.

Tháng 5.2017, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi các sở liên quan thống nhất cho Công ty Đất Quảng lập hồ sơ xin phép khai thác đất san lấp cho dự án tại mỏ đất trong thị trấn Mộ Đức.

Tháng 9 năm đó, chính quyền trình lên Tỉnh ủy cho ý kiến về dự án. Sang tháng 10, Chủ tịch Trần Ngọc Căng ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dịch vụ và dân cư An Phú ở trung tâm thị trấn Mộ Đức do Công ty Đất Quảng làm chủ đầu tư với diện tích sử dụng đất khoảng hơn 6,8ha.

Dự án đã xây dựng xong khoảng 90% khối lượng

Tháng 7.2018, Chủ tịch Quảng Ngãi ký quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trước đó với tổng diện tích dự án còn khoảng 7,7ha với tổng số lượng lô đất xây dựng nhà ở và thương mại dịch vụ là 288 lô (tương ứng diện tích đất khoảng 4ha). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 105 tỉ đồng. Tiền sử dụng đất và tiền thuê đất của dự án này là gần 24 tỉ đồng.

Dù chưa thực hiện xong việc đền bù và di dời giải tỏa người dân trong khu vực, chủ dự án vẫn tiến hành san lấp và xây dựng hạ tầng.

Tháng 7 và tháng 12.2019, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi ký 2 quyết định cho phép Công ty Đất Quảng được phép bán đất cho cá nhân, tổ chức với đợt 1 là 161 lô và đợt 2 là 72 lô.

Hồ sơ mà chúng tôi nắm được, dự án này được chủ đầu tư ký kết với Công ty cổ phần Đất Xanh Đà Nẵng phân phối. Từ cuối năm 2018, dự án đã được Công ty Đất Xanh thông báo mở bán rầm rộ với tên thương mại là Sunfloria City. Tháng 3.2019, Đất Xanh Đà Nẵng mở bán giai đoạn 2 dự án Sunfloria City; sự kiện thu hút hơn 800 khách hàng, nhà đầu tư tham dự.

Bán xong mới ký duyệt ĐTM

Đất bán gần hết, đến ngày 27.9.2019, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty Đất Quảng vì tiến hành thi công dự án Khu dịch vụ và dân cư An Phú nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Theo đó, công ty này bị xử phạt 300 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động của dự án trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký quyết định.

Dù không có ĐTM nhưng chính quyền các cấp vẫn cho dự án ngang nhiên xây dựng

Đến ngày 14.1.2020, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính mới ký quyết định phê duyệt nội dung báo cáo ĐTM dự án Khu dịch vụ và dân cư An Phú với các yêu cầu rất chặt chẽ như: quá trình giải phóng mặt bằng phải đảm bảo, vận chuyển nguyên vật liệu, xử lý nước thải trong quá trình xây dựng; phải xây dựng hệ thống thu gom và thoát nước mưa chảy tràn quanh khu vực dự án, xây dựng trạm xử lý nước thải với công suất 150m3/ngày đêm đạt quy chuẩn Việt Nam…

Chặt chẽ như ĐTM là thế mà đến nay, dự án bán gần xong với lô mặt tiền với hơn 1 tỉ đồng/lô nhưng trạm xử lý nước thải chẳng thấy đâu, nhà cửa đã bắt đầu xây và chính quyền thì làm gần như đảo ngược quy trình pháp luật.

Bài, ảnh: Lê Đình Dũng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quảng Ngãi: Cho doanh nghiệp bán đất xong tỉnh mới ký duyệt về môi trường