Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, quan điểm của TP là không chấp nhận 500 dự án có giấy phép nhưng kéo dài không triển khai, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Những dự án kéo dài, không triển khai được thì kiên quyết thu hồi.
Sau phiên chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn và Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bình, kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa 9 tiếp tục với phiên chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhận trách nhiệm về mặt yếu kém của TP
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP.HCM đã nhận trách nhiệm về những mặt còn yếu kém của TP.
“Là người đứng đầu chính quyền TP.HCM, tôi xin chịu trách nhiệm về các hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Tôi sẽ tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, cụ thể hóa trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 để từng bước khắc phục hạn chế, xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, là TP có chất lượng sống tốt”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Trong phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Đạt nói rằng nhiều cử tri bức xúc khi ở TP.HCM có tới 500 dự án chậm tiến độ. Với các dự án này, đại biểu hỏi UBND TP xử lý trách nhiệm chủ đầu tư như thế nào? Nếu như chủ đầu tư chậm triển khai thì có thể phân cấp về cho quận làm dự án này hay không?
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trên địa bàn TP có nhiều dự án triển khai đúng tiến độ, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh các dự án đó thì TP cũng có nhiều dự án tiến độ rất chậm. Tuy nhiên, quan điểm của TP là không chấp nhận các dự án có giấy phép nhưng kéo dài không triển khai, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Những dự án kéo dài, không triển khai được thì kiên quyết thu hồi.
Liên quan đến dự án “treo” rạch Ông Búp (quận Bình Tân) mà một số đại biểu phản ánh, ông Nguyễn Thành Phong nói rằng UBND TP.HCM đã có chỉ đạo rà soát, kiểm tra và xử lý kiên quyết. UBND TP cũng chỉ đạo các bên liên quan tìm hiểu từng dự án, nếu không thể triển khai được thì phải kiên quyết thu hồi.
Quyết tâm xử nạn “xe dù bến cóc"
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm phản ánh tình trạng TP nhiều lần thể hiện quyết tâm xử lý triệt để tình trạng “xe dù bến cóc” nhưng chưa mang lại hiệu quả. Ở kỳ họp trước, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Bùi Xuân Cường có hứa đến cuối tháng 8.2016 sẽ giải quyết dứt điểm nhưng đến nay vẫn chưa thấy kết quả. Đại biểu nói việc này không khó nếu TP quyết tâm nhưng nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn thì Chủ tịch UBND TP xử lý thế nào đối với những đơn vị chịu trách nhiệm?
Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND TP.HCM nói trong nhiều buổi họp giao ban thường kỳ, UBND TP đều chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải chú trọng giải quyết tình trạng “xe dù bến cóc”.
“Tôi nhận được nhiều tin nhắn phản ánh về tình trạng này. Mỗi lần như vậy tôi đều gọi cho Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải giải quyết và ra hạn đến cuối năm phải giải quyết xong. Nói vậy để thấy không phải các Sở không có quyết tâm mà đã rất cố gắng. Mặc dù vậy vấn đề này cần nhiều giải pháp đồng bộ”, ông Phong nói.
Theo ông Phong, thời hạn và nhiệm vụ đã giao các đơn vị chức năng cố gắng giải quyết, nếu không hoàn thành trách nhiệm sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc. Tùy theo trách nhiệm để làm sao hợp tình hợp lý và người bị xử lý cũng phải thấy thỏa đáng.
Dành ngân sách cho các chương trình trọng điểm
Liên quan đến vấn đề dân sinh, đại biểu Huỳnh Đăng Linh chất vấn tình trạng an toàn giao thông và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đại biểu lo ngại tỷ lệ điều tiết về ngân sách của TP.HCM bị cắt giảm thì các chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông có đảm bảo hay không?
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định TP luôn dành ưu tiên ngân sách phát triển các chương trình trọng điểm. UBND TP đang xây dựng kế hoạch triển khai 7 chương trình đột phá. Khi HĐND có nghị quyết, UBND TP sẽ dành một ngày để triển khai kế hoạch của từng chương trình cụ thể.
Hay đại biểu cũng quan tâm vấn đề vệ sinh thực phẩm. Theo đại biểu Huỳnh Đặng Linh, qua trả lời của Sở Y tế thì có nhiều nỗ lực, tuy nhiên theo khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP thì công cụ kiểm nghiệm thực phẩm còn rất thô sơ, lấy mẫu tại các chợ đầu mối sau 5 ngày mới có trong khi thực phẩm tiêu thụ trong ngày. Sắp tới, kế hoạch đầu tư mua trang thiết bị phục vụ cho việc này như thế nào?
Trả lời chất vấn, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết an toàn vệ sinh thực phẩm là bức xúc của cử tri, là sự mong mỏi của người dân để có bữa ăn sạch và là trách nhiệm của lãnh đạo TP. Mới đây, Chính phủ cũng đã đồng ý cho TP.HCM lập Ban An toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Thành Phong và Giám đốc Sở Y tế đã làm việc với GS Chu Phạm Ngọc Sơn để lập Trung tâm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm với thiết bị hiện đại, đội ngũ chuyên gia giỏi. Sắp tới, sẽ chuyển giao cho Ban An toàn vệ sinh thực phẩm.
Phan Diệu