Năm học mới 2019-2020 đã bắt đầu, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp nhằm đảm bảo bữa ăn cho các học sinh trong trường được an toàn, đảm bảo không xảy ra ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học trong năm học này.
Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, hiện trên địa bàn TP có 2.314 cơ sở dịch vụ ăn uống trong các trường học. Trong đó, 1.280 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 112 bếp ăn tập thể thuê nấu, 292 cơ sở nhận suất ăn sẵn, 630 căn tin trong trường học. Trong 5 năm (2014 đến 2018), toàn TP xảy ra 25 vụ ngộ độc thực phẩm, thì trong trường học đã có đến 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 340 học sinh mắc.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm cho biết, trong gần 3 năm qua, từ ngày thành lập Ban đến nay, đơn vị đã cấp 157 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong trường học. Ngoài ra, Ban cũng đã rà soát 2.314 cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học, hướng dẫn bổ sung 440 bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các trường tự tổ chức dịch vụ ăn uống.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, năm học nào cũng xảy ra từ 1 đến 2 vụ ngộ độc thực phẩm. Điều đó cho thấy, việc các cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm vẫn chưa chắc không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Vì chỉ cần trong quá trình sản xuất, chế biến thức ăn, các bếp ăn tập thể, căn tin trường học chỉ cần lơ là một khâu nào đó là có thể dẫn đến mối nguy cơ về mất an toàn thực phẩm, gây ngộ độc cho học sinh khi sử dụng.
Chính vì vậy ngay từ khi chuẩn bị bước vào năm học mới 2019- 2020 này, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP đã đồng loạt triển khai mạnh mẽ các các hoạt động nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho năm học mới này như:kiểm tra, giám sát, truyền thông, tập huấn cho cán bộ quản lý khối trường học.
Bà Lan cho biết, hiện Ban đã tập huấn cho cán bộ quản lý an toàn thực phẩm của phòng giáo dục 24 quận/ huyện và hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường học nhằm phổ biến các quy định của pháp luật về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời giới thiệu nguồn cung cấp thực phẩm an toàn cho các bếp ăn trong hệ thống trường học.
“Chúng tôi đã tổ chức 14 lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho 2.119 người tham dự, tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho 1.234 cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm quận - huyện; thiết kế, in ấn 24.000 tờ rơi tuyên truyền “bảo đảm an toàn thực phẩm với dịch tả heo châu Phi, bà Lan nói.
Bên cạnh đó, sau khi triển khai thí điểm tiếp nhận nguyên liệu từ nguồn thực phẩm an toàn tại 6 quận (3, 5, 8, 11, Tân Bình và Bình Thạnh) với 498 trường thành công và hiệu quả vào năm học trước. Năm học 2019-2020 này, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo TPtiếp tục triển khai việc nhận nguyên liệu từ nguồn thực phẩm an toàn tại tất cả các quận huyện trên địa bàn thành phố.
Như vậy hiện nay, tất cả các bếp ăn tập thể, căntin trường học trên toàn địa bàn TP trong năm học 2019-2020 này đều sử dụng nguyên liệu thực phẩm được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được công nhận của thành phố, hoặc các cơ sở đạt các chứng nhận HACCP hay ISO 22000; VietGAP; GlobalGAP…
“Trong thời gian tới, Thanh tra Ban quản lý an toànthực phẩm sẽ tiến hành kiểm tra đồng loạt cả các bếp ăn tập thể, căntin trường học trên nhằm kiểm tra việc thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các trường học cũng như xử lý vi phạm nếu có”, bà Lan cho biết.
Hồ Quang