Từ ngày 23.8 đến sáng 28.8, qua xét nghiệm nhanh TP phát hiện gần 42.400 ca dương tính, chiếm tỉ lệ 3,5% trên tổng số mẫu xét nghiệm được lấy.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 422.469 ca mắc COVID-19, đứng thứ 60/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 166/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.297 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4 đến nay) ghi nhận 418.320 ca nhiễm mới trong nước, trong đó có 208.215 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Ngoài ra, có 8 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước gồm Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum.
Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ; có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (204.964), Bình Dương (98.794), Đồng Nai (22.264), Long An (20.400), Tiền Giang (9.062).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 12.375, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 210.989 ca. Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.408 ca.
Trong ngày, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 352 ca tử vong. Cụ thể, TP.HCM (271), Bình Dương (38), Đồng Nai (16), Tiền Giang (15), Long An (4), Đồng Tháp (2), Khánh Hòa (2), Đà Nẵng (1), Bến Tre (1), Nghệ An (1), Thừa Thiên Huế (1).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.405 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Về tình hình xét nghiệm, trong 24 giờ qua đã thực hiện 624.775 xét nghiệm cho 706.629 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 12.147.137 mẫu cho 31.447.580 lượt người.
Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 19.151.122 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.822.691 liều, tiêm mũi 2 là 2.328.431 liều.
Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 74.452 người, trong đó có 47.920 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 26.505 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 16.962 người.
TP.HCM đã triển khai lấy mẫu toàn dân tại vùng đỏ, vùng cam bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Khi hoàn tất các khu vực đỏ, cam thì chuyển sang khu vực vàng, xanh. Triển khai cuốn chiếu để rà soát, đánh già tình hình dịch bệnh tại các khu vực. Từ ngày 23.8 đến sáng 28.8, qua xét nghiệm nhanh TP phát hiện gần 42.400 ca dương tính, chiếm tỉ lệ 3,5% trên tổng số mẫu xét nghiệm được lấy. Hiện các bệnh viện đang điều trị 38.559 bệnh nhân COVID-19.
Thành phố cũng đã tổ chức hơn 400 Trạm Y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà. Khi xét nghiệm test nhanh và phát hiện F0, các Trạm y tế lưu động sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện. Triển khai chương trình điều trị thuốc Molnipiravir có kiểm soát dành cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, lần đầu tiên Bộ Y tế đã thiết lập một mô hình hoàn toàn mới. Đó là thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 (ICU) trên toàn quốc, cho phép giám đốc các bệnh viện Trung ương kiêm giám đốc các Trung tâm hồi sức tích cực tại TP.HCM và các tỉnh phía nam.
Theo báo cáo ban đầu, đã có 10 Trung tâm hồi sức tích cực tại các tỉnh phía Nam được thành lập, tiếp nhận trên 6.000 lượt người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch; kịp thời cứu sống và chuyển tầng dưới điều trị tiếp cho trên 2.300 ca bệnh.