Nguyễn Thị Thanh Hoa, cô gái cao gần 2 mét ở Trà Vinh mỉm cười ngại ngùng khi có người hỏi đến chiều cao của mình. Cô thường cúi hoặc ngoảnh mặt đi chỗ khác khi nói về tương lai của mình. “Người mẫu, hoa hậu cao đẹp đâu không biết, chứ nhỏ Hoa cao tồng ngồng như vậy mà cuộc đời nó khổ lắm”, một người hàng xóm cảm thán nói.
Cô độc trong sự nổi bật
Năm lên 10 tuổi, Nguyễn Thị Thanh Hoa ngụ xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh đã có chiều cao vượt bậc hơn so với bạn cùng trang lứa. Nhưng, điều đó không làm cho cô thấy tự hào. Trái lại cô thường cảm thấy ngại ngùng với chiều cao của mình. Càng lớn, Hoa càng phát triển chiều cao nhanh chóng và nỗi tự ti ấy càng ngày càng lớn lên dần. “Khi tôi đi ngoài đường, người ta thường nhìn tôi cho đến khi tôi đi khuất tầm mắt của họ. Vừa nhìn tôi họ vừa bàn tán gì đó”, Hoa nói.
Song hành với chiều cao vượt trội là những căn bệnh bẩm sinh khiến Hoa chỉ muốn thui thủi trong nhà. Hoa có bệnh tim bẩm sinh, chậm phát triển và mắt thì cận nặng. Bà Trần Thị Nga (60 tuổi) mẹ của Hoa cho biết, năm lên 4 tuổi đứa con gái độc nhất của bà mới bắt đầu cất những tiếng nói đầu tiên. Rồi khi đi học cũng học chậm hơn chúng bạn, Hoa rất khó khăn trong việc nhận biết mặt chữ và viết chậm, thiếu nét do mắt rất kém.
Hơn nữa, chiều cao của cô luôn là sự chú ý của các bạn trong trường. Họ thường xoáy vào điểm nổi bật đó của Hoa mà chọc ghẹo. Mỗi lần như vậy, Hoa thường về kể với mẹ rằng: “Sao họ chọc con hoài”. Người mẹ cũng không biết phải giải thích an ủi sao cho con gái yên lòng. Từ nhiều chuyện xảy ra như vậy, năm lớp 4, Hoa nghỉ học ở nhà.
Với công việc tước cọng lá dừa, mỗi ngày mẹ con chỉ Hoa kiếm được hơn 10.000 đồng, chỉ đủ tiền mua vài gói mì - Ảnh: Thanh Nguyên
Từ đó cuộc sống của cô cứ quẩn quanh gian nhà, góc bếp. Ngoài 20 tuổi rồi, TP.Trà Vinh cũng chỉ cách nhà khoảng 30 cây số, nhưng Hoa kể cô chỉ tới đó lúc nhỏ để khám bệnh, còn tuyệt nhiên không đến để chơi hay thăm thú đó đây. Chợ ở xã, cô cũng chỉ đi đến được vài lần. Sống trong sự cô độc đó, dường như với cô đã thành sự quen thuộc cố hữu, không muốn thay đổi nữa.
Căn bệnh tim khiến Hoa không thể làm việc nặng nhọc được, chỉ là giặt đồ, quét nhà thôi những mỗi lần làm xong, Hoa phải ngồi thở cả buổi. Mỗi lần thấy con gái mệt, ngồi một mình với khuôn mặt xanh xám, bà Nga đau lòng lắm. Người mẹ này không để con gái mình phải vất vả, bà thường ôm hết việc nhà.
Biết mẹ thương mình, những gì làm được, Hoa cũng không hề từ nan. Gia đình của bà Nga nghèo, haivợ chồng chỉ có chút tài sản là căn nhà được cha mẹ để lại và khoảng vườn trồng mấy chục gốc dừa đang cho thu hoạch. Ngày còn sức khỏe, 2 vợ chồng bà Nga mưu sinh thêm bằng đủ nghề làm thuê làm mướn. Ba năm trước, chồng bà mất, thương con gái, bà Nga nghỉ ở nhà luôn để kề cận con. Từ đó, cuộc sống của haimẹ con càng co cụm lại, nếu không có việc gì quan trọng thì họ chẳng đi ra khỏi nhà. Ngay cả thức ăn hằng ngày, họ cũng mua luôn của những người bán dạo đi ngang nhà. Cứ như tự cách ly.
Nhưng ở nhà thì họ vẫn ăn, vẫn phải sống, phải tiêu tiền. Để có thêm tiền, bà Nga nhận tướt cọng lá dừa với tiền công vô cùng ít ỏi để đắp đổi qua ngày. “Lá dừa thì của mình, mình tướt bỏ phần lá đi, lấy phần cọng để cho người ta làm chổi. Tướcđược 1 ký cọng dừa thì đổi được từ 3.000 - 4.000 đồng, tùy cọng dừa khô hay tươi”, bà Nga kể.
Mỗi ngày 2 mẹ con tướcđược từ 3 - 4 kýcọng dừa, vậy là cũng được hơn 10.000 đồng, đủ tiền mua vàigói mì tôm. Mẹ con bà Nga đều là đối tượng khó khăn, bệnh tật được hưởng trợ cấp hằng tháng của nhà nước với số tiền chưa tới 1 triệu đồng cho 2 người. Nhưng đó là khoản tiền cố định quý giá giúp họ ổn định cuộc sống.
Chạnh lòng khi nói đến tương lai
Hoa năm nay đã 25 tuổi, nếu như bao cô gái bình thường khác, cô có thể đã có chồng, tay bế tay bồng mấy đứa con. Nhưng với chiều cao lêu khêu và sự tự ti của bản thân, cộng thêm với cuộc sống vất vả, nghèo khó, cô không nghĩ có ai đó sẽ chịu gắn bó cả đời với mình. Cô không có bạn, kể cả bạn gái bình thường. Còn để có một mối quan hệ tình cảm khác giới, đó là điều mà cô nghĩ rằng ngoài tầm với của mình.
“Nói thì vậy, chứ có người tốt chịu cưới nó, tôi cũng gả liền. Tôi ở một mình cũng được, nhưng nó còn cả tương lai phía trước”, người mẹ nói. Đáp lại tình thương của mẹ, Hoa cũng nghĩ đến cho đấng sinh thành của mình khi được hỏi cô mong muốn điều gì nhất bây giờ. “Tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe, để chăm sóc cho mẹ tôi. Còn những chuyện khác, tôi chưa tính”, Hoa nói.
Ngoài chiều cao nổi bật, khuôn mặt Hoa cũng rất phúc hậu. Ấn tượng khi người khác nhìn vào thì đây là 1 cô gái hiền lành, chịu khó. Nếu tháo cặp kính cận dày cộp xuống, chăm chút lại cho bản thân, thì Hoa sẽ là cô gái gây được sự chú ý cho người khác giới. Nhìn con gái, bà Nga nói: “Tôi cũng không biết sao con bé lại cao như vậy, lúc sinh ra chỉ nặng 1,8kg, dặt dẹo lắm. Trong gia đình dòng họ 2 bên cũng không có ai cao như vậy. Áo quần nó mặc nếu vừa đẹp thì phải may, còn nếu mua hàng may sẵn thì cứ lơ lơ lửng lửng như vậy đó. Còn giày dép, nó toàn mang dép của… đàn ông thì mới vừa”.
Ông Nguyễn Văn Y cao 2,2 mét, hiện sống một mình - Ảnh: Thanh Nguyên
Ở miền Tây có không ít trường hợp cao đột biến như Hoa, giữa họ đều có chung hoàn cảnh là nghèo khổ và bệnh tật bủa vây. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Y (64 tuổi ngụ xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) cao đến 2,2 mét, nặng gần 100kg. Lúc còn thanh niên, người đàn ông này với sức khỏe phi thường làm việc chân tay đều gấp đôi năng suất của trai tráng. Nhưng khi về tuổi già, ông sống cô độc vì không vợcon, đầu óc không còn minh mẫn, đôi chân bước đi khó nhọc.
Hay trường hợp của anh Hồ Văn Trung, người đàn ông ngụ xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cao đến2,57 mét. Và nếu bây giờ anh còn sống, thì chiều cao của anh còn có thể tăng nữa. Anh Trung khi sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng đến tuổi thanh niên, một lần bị bệnh sốt cao, anh được gia đình đưa đến y sĩ trong xã chích thuốc, khám bệnh.
Khi còn sống, anh Hồ Văn Trung cao ngất ngưởng với chiều cao 2,57 mét - Ảnh: Thanh Nguyên
Sau khi hết bệnh, chiều cao của anh phát triển vượt bậc cho đến khi qua đời năm 35 tuổi vào năm 2019. Các bác sĩ ở TP.HCM chẩn đoán anh Trung bị bệnh tuyến yên nên mới phát triển chiều cao bất thường như vậy. Với chiều cao “chót vót” của mình, anh Trung sống cô lập trong vùng rừng nước ở huyện Ngọc Hiển. Cho đến khi anh bị bệnh thận, đường ruột và được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị thì người dân mới biết đến sự tồn tại của người đàn ông có chiều cao “khủng” như thế này.
Thanh Nguyên