Âm thanh xe cộ lẫn tiếng người mời gọi ở chợ đầu mối Bình Điền - chợ không ngủ, mang đến một bức tranh khác của cuộc sống về đêm ở Sài Gòn. Một Sài Gòn không hào nhoáng, xa hoa mà là một Sài Gòn với những con người chân chất, thật lòng đang miệt mài với cuộc sống mưu sinh. Một Sài Gòn mà ở đó chúng ta cần phải đi để cảm nhận cuộc sống khác.

Trắng đêm đi chợ không ngủ ở Sài Gòn

Một Thế Giới | 05/09/2015, 05:47

Âm thanh xe cộ lẫn tiếng người mời gọi ở chợ đầu mối Bình Điền - chợ không ngủ, mang đến một bức tranh khác của cuộc sống về đêm ở Sài Gòn. Một Sài Gòn không hào nhoáng, xa hoa mà là một Sài Gòn với những con người chân chất, thật lòng đang miệt mài với cuộc sống mưu sinh. Một Sài Gòn mà ở đó chúng ta cần phải đi để cảm nhận cuộc sống khác.

Khi màn đêm buông xuống, chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TP.HCM) rực sáng, sinh động nhộn nhịp đến lạ. Đây cũng là thời điểm cho những phận người mưu sinh tại ngôi chợ này bắt đầu vào guồng quay công việc.
Những con người chịu thương chịu khó ở khu chợ Bình Điền đã tạo thành sức sống riêng cho nơi đây.
Ngôi chợ không quen “ngủ đêm”
Chợ đầu mối nông sản Bình Điền là nơi cung cấp thủy hải sản, các loại thịt, rau củ, trái cây và kể cả hoa cho TP.HCM và các vùng lân cận. Vì là chợ đầu mối nên chợ họp rất sớm, khi cả thành phố bắt đầu chìm sâu trong giấc ngủ và hoạt động tấp nập cho đến khi mặt trời ló rạng.
Từ trung tâm thành phố, bỏ lại sự náo nhiệt của thành phố về đêm, chúng tôi ngược xe tớichợ đầu mối nông sản Bình Điền dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh. Vượt qua quãng đường dài, chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối Bình Điền vào lúc 22 giờ.
Trang dem di cho khong ngu o Sai Gon-hinh-anh-1
  Khung cảnh nhộn nhịp tại chợ đầu mối Bình Điền vào lúc 23 giờ (Ảnh:PD)
Dù chưa khuya nhưng các xe tải chở hàng đã nườm nượp nối đuôi nhau qua trạm kiểm soát để vào chợ. Trên mỗi xe này, hàng tấn nông sản từ Đà Lạt đổ về, từ miền Tây đưa lên hay từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ chuyển tới được chất đầy bên trong thùng xe. Tùy theo loại nông sản các xe sẽ tấp vào khu vực tương ứng.
Trang dem di cho khong ngu o Sai Gon-hinh-anh-2
Bên trong khu chợ rau (Ảnh: P.D) 
Đúng như lời ví von “chợ không quen ngủ đêm”, lúc càng khuya thì không khí sôi động và náo nhiệt càng bao trùm cả khu chợ rộng 65 ha. Theo một số tiểu thương tại đây, chợ bắt đầu họp vào lúc 21 giờ. Đây là thời điểm các xe tải bắt đầu “chen nhau” chở hàng vào khu rau củ.
Xe tải vừa đến, các thương lái, phu xe và những người vận chuyển đã đứng đợi sẵn để chờ những chuyến hàng từ nhiều nơi đổ về và chia nhỏ đi các sạp hàng trong chợ.
Chị Nguyễn Thị Sen (40 tuổi), một thương lái, cho biết: “Chợ rau (khu rau) thường họp sớm hơn so với các chợ khác. Thường là 9 giờ tối xe chở rau từ Đà Lạt và miền Tây đã về đến chợ. Những ngày lễ, tết chợ rau còn họp sớm hơn. Nếu họp trễ hơn giờ này thì sẽ không kịp để vận chuyển rau đi các chợ nhỏ cho ngày hôm sau. Do đây là chợ đầu mối nên hầu như các chợ nhỏ lẻ địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận đều lấy hàng ở đây về.
Trang dem di cho khong ngu o Sai Gon-hinh-anh-3
Hàng hóa được sắp xếp bắt mắt (Ảnh: P.D) 
Vào trong nhà lồng, rau củ quả phân thành từng khu riêng biệt dọc theo các quầy hàng. Từ các loại khoai, bầu bí, cho tới chanh ớt, hành, tiêu, tỏi... được xếp gọn gàng, tươi rói dưới ánh đèn màu càng thêm phần bắt mắt. Gần phía ngoài là khu rau xanh mơn mởn.
Sầm uất khu chợ cá
Trong khi đó, tại chợ cá và hải sản, xe chở hàng thường bắt đầu về tới chợ lúc 22 giờ. Trong lúc chờ đợi nguồn hàng từ các nơi đổ về, các tiểu thương, người vận chuyển tranh thủ mua ly cà phê hay ly đậu nành uống cho tỉnh táo. Thời gian này còn là lúc các gánh hàng rong bánh mì, trà nước tranh thủ bán cho khách.
Trang dem di cho khong ngu o Sai Gon-hinh-anh-4
Gánh bánh mì vào lúc 1 giờ đêm tại chợ đầu mối Bình Điền (Ảnh:P.D) 
Chị Ngọc Phi, người bán bánh mì gần 10 năm tại khu chợ cá cho biết việc thức khuya bán hàng đã thành thói quen.
“Bán rong hàng đêm tại chợ này phải có sức khỏe vì không chỉ gánh hàng đi bán thâu đêm mà còn phải chuẩn bị sẵn để chạy nữa. Nhiều khi quản lý khu chợ đến mà chạy không kịp thì coi như gánh hàng xong luôn”.
Khoảng hơn 22 giờ, những chiếc xe tải chở thủy hải sản về bắt đầu “khai hội”. Xe hàng ra vào, người buôn kẻ bán diễn ra tấp nập. Từng dòng người nườm nượp kéo tới bắt đầu công việc của mình. Tiếng chào mời, tiếng cười nói, tiếng hối nhau làm việc huyên náo, khuấy động cả khu chợ "không bao giờ ngủ” này. Ở khoảng sân giữa chợ cá biển và cá đồng, từng tốp người chen lấn trước xe tải lớn để sắp dỡ hàng.
Trang dem di cho khong ngu o Sai Gon-hinh-anh-5
Các cửu vạn bốc dỡ hàng hóa  từ trên ô tô xuống và vận chuyển ra xe cho các sạp hàng (Ảnh:PD) 
Lúc này, lực lượng làm việc đông đảo nhất là cánh cửu vạn chuyên bốc dỡ hàng từ trên ô tô xuống và vận chuyển ra xe cho các sạp hàng. Làm cửu vạn ở chợ đêm Bình Điền chủ yếu là dân lao động nhập cư đến từ các tỉnh miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên…đều đủ. Điều đặc biệt là có không ít phụ nữ, trẻ em tham gia vào lực lượng bốc xếp hàng ở đây. Đã bao năm nay cuộc sống không có đêm của những con người nơi đây vẫn diễn ra nhộn nhịp, hối hả như thế.
Trong đêm khuya, những người phụ nữ lam lũ gồng hết sức mình để đẩy những lô hàng nặng trịch. Trên vai áo họ, những giọt mồ hôi hòa cùng sương đêm ướt sũng. Bước mưu sinh của những con người ấy dường như gian truân, lận đận hơn…trong tiết trời mưa ẩm ướt.
Trang dem di cho khong ngu o Sai Gon-hinh-anh-6
Những người phụ nữ làm việc suốt đêm. Đã bao lâu rồi họ chưa biết đến giấc ngủ đêm là gì (Ảnh: PD) 
Dường như ai cũng vội vàng, vừa đẩy vừa chạy để vận chuyển được nhiều chuyến hàng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Công việc của họ nhọc nhằn, gấp gáp từ đêm cho đến sáng.
Trong âm thanh hỗn tạp của chợ búa, thỉnh thoảng lại xuất hiện những lời cau có, nài nỉ, kỳ kèo, trả giá đừng đồng tiền hàng.
Đang đẩy thùng cá, anh Đào Hồng Phúc hổn hển nói: “Cả gia đình tui đều mưu sinh tại ngôi chợ này. Vợ tôi bán hủ tiếu ngoài cổng chợ, con đầu tôi 14 tuổi đã nghỉ học phụ mẹ nó, đứa con trai thứ hai 8 tuổi thì đang cho đi học. Còn mẹ tôi thì phụ người ta làm thịt cá ở sạp trong kia. Dù vất vả nhưng cũng đủ để gia đình tôi sống qua ngày”.
Rẽ vào khu nhà lồng, dọc lối đi, xe đẩy, xe kéo, xe chuyên dùng để bốc xếp dàn hàng 2, hàng 3 trong chợ. Để kịp thời gian, người lái tranh thủ phóng nhanh, lạng lách. Tại các giao lộ chật hẹp gần các quầy hàng cũng thường xảy ra tình trạng "kẹt xe" do xe đẩy đối đầu xe kéo, xe kéo chạm mặt người mua. Càng về gần sáng, dòng người lại ùn ùn tuôn về các lối đi.
Với người lần đầu tiên đến Bình Điền, nếu không cẩn thận và né tránh thì rất dễ dàng xảy ra va chạm. Tuy nhiên, đối với những người mưu sinh tại đây, việc né đường đã trở nên quen thuộc và hết sức bình thường.
Trong khi sự náo nhiệt ngày càng tăng, ở góc hàng kia, một tiểu thương tranh thủ lót dạ bằng tô hủ tiếu gọi sẵn cho đỡ đói. Chiếc nắp sọt được kê làm bàn ăn, xung quanh là những thùng cá, tôm ngổn ngang, mùi tanh hòa với mùi hôi từ cống thoát nước bốc lên dữ dội.
(Còn tiếp)
Phan Diệu - Thảo Hương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trắng đêm đi chợ không ngủ ở Sài Gòn