Các nhà đầu tư vào cổ phiếu FLC, ROS phải có ý kiến ở đại hội cổ đông của doanh nghiệp, yêu cầu ban điều hành doanh nghiệp khắc phục sớm nhất vấn đề của doanh nghiệp.

Trót ôm “bom”, nhà đầu tư cổ phiếu FLC, ROS phải làm gì?

Hoài Lam | 06/09/2022, 18:54

Các nhà đầu tư vào cổ phiếu FLC, ROS phải có ý kiến ở đại hội cổ đông của doanh nghiệp, yêu cầu ban điều hành doanh nghiệp khắc phục sớm nhất vấn đề của doanh nghiệp.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an mới đây ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, cùng 3 bị can khác để điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dư luận hiện quan tâm đến tiến độ điều tra vụ việc.

Thông tin điều này với báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều 6.9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết vụ việc đã được khởi tố và cơ quan công an đang tiến hành điều tra.

“Trước khi họp báo tôi có hỏi Bộ Công an thì được thông báo rằng vụ việc đang được điều tra, khi có kết luận sẽ công bố đầy đủ trách nhiệm cá nhân, tập thể. Do đó, kết quả vụ việc phải chờ Bộ Công an công bố”, ông Chi nói.

ck2.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu - Ảnh: Trí Lâm

Cũng liên quan đến việc nhiều lãnh đạo Tập đoàn FLC bị khởi tố, nhiều nhà đầu tư vào cổ phiếu FLC, ROS đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Trả lời vấn đề này, ông Chi cũng nhìn nhận rằng quyền lợi của nhà đầu tư bị rõ ràng ảnh hưởng khi các cổ phiếu này bị hủy giao dịch. Tuy nhiên, là cổ đông của các doanh nghiệp này thì các nhà đầu tư phải có ý kiến ở đại hội cổ đông của doanh nghiệp, yêu cầu ban điều hành doanh nghiệp khắc phục sớm nhất vấn đề của doanh nghiệp.

Về điều kiện để các cổ phiếu ROS và FLC được giao dịch trở lại, ông Chi cho hay khi nào những vi phạm khiến các cổ phiếu này bị ngừng và hủy giao dịch được khắc phục và doanh nghiệp có nhu cầu khôi phục giao dịch thì sẽ được giao dịch trở lại. Cụ thể đối với cổ phiếu của FLC, cần phải có Báo cáo kiểm toán năm 2021 và báo cáo kiểm toán 6 tháng đầu năm 2022, rồi phải tổ chức đại hội cổ đông… Khi có đủ các điều kiện này, doanh nghiệp có nhu cầu khôi phục giao dịch thì sẽ được đáp ứng.

Trước những sai phạm trên thị trường chứng khoán thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có Chỉ thị số 02/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán.

Bộ Tài chính yêu cầu khẩn trương rà soát tổng thể Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với sự phát triển của thị trường, hạn chế nguy cơ gây mất an ninh, an toàn của thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Đồng thời, tăng cường giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, thành viên giao dịch; thẩm định chặt chẽ các hồ sơ đăng ký niêm yết/đăng ký giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp; chú trọng kiểm soát chất lượng, đảm bảo tính chính xác của hồ sơ, đặc biệt lưu ý các công ty có hiện tượng tăng vốn nhanh, các công ty mới thành lập, doanh thu chưa tương xứng với quy mô vốn, chưa có sản phẩm, định hướng kinh doanh rõ ràng,...

Ngoài ra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tùy theo mức độ vi phạm; có biện pháp xử phạt nghiêm khắc, có tính răn đe như: rút giấy phép hành nghề, đình chỉ kinh doanh... đồng thời khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra đối với các hành vi cố tình vi phạm…

ck.jpg
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán

Thêm vào đó, giao Ủy ban Chứng khoán (UBCK), Tổng cục Thuế... nghiên cứu, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước các giải pháp giám sát chặt chẽ quá trình tăng vốn, góp vốn, chuyển nhượng vốn của các công ty đại chúng để đảm bảo hoạt động này diễn ra nghiêm túc, thực chất, theo đúng quy định của pháp luật; hạn chế tối đa tình trạng tăng vốn ảo, chuyển tiền lòng vòng, tiền thu được từ quá trình thay đổi cơ cấu vốn sử dụng không đúng mục đích đăng ký…

Chỉ thị của Bộ trưởng giao UBCK chủ trì xây dựng khung báo cáo và các tiêu chí liên quan, trên cơ sở đó yêu cầu các công ty chứng khoán cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động trong thời gian qua, đặc biệt tập trung vào một số nghiệp vụ như tự doanh, cấp margin, tư vấn môi giới đầu tư, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp... cũng như tình hình tăng vốn rất mạnh trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022.

“Xem xét có hay không việc một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng, cấu kết với công ty chứng khoán để thao túng, làm giá cổ phiếu cũng như tư vấn, lách luật phân phối trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”, chỉ thị nêu.

Tại Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao UBCK, Sở GDCK Việt Nam, Sở GDCK TP.HCM, Sở GDCK Hà Nội tăng cường công tác giám sát TTCK cơ sở và TTCK phái sinh; giám sát chặt chẽ các mã chứng khoán có thanh khoản lớn, diễn biến bất thường, tăng giảm liên tiếp, đột biến, giá trị cổ phiếu không phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Thanh tra, kiểm tra xử lý quỹ đầu tư trái phép, quỹ không hoạt động để rút giấy phép và xử lý theo quy định pháp luật.

Đồng thời, chỉ thị giao UBCK chủ động thanh tra, giám sát việc phát hành tăng vốn của các công ty đại chúng, niêm yết trên sàn chứng khoán, phối hợp các Sở GDCK tăng cường hơn nữa việc công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời cảnh báo nhà đầu tư về các hiện tượng bất thường trên thị trường; có cơ chế công bố thông tin, phân tích về hoạt động, tình hình tài chính của doanh nghiệp có mã chứng khoán đang được giao dịch bất thường, đột biến…

Bài liên quan
Cổ phiếu Tesla tăng mạnh khi đội ngũ ông Trump lên kế hoạch thiết lập quy định liên bang cho ô tô tự lái
Cổ phiếu Tesla đã tăng hơn 7% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa hôm 18.11 (giờ Mỹ) sau khi trang Bloomberg đưa tin đội ngũ chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang lên kế hoạch thiết lập các quy định liên bang cho ô tô tự lái.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trót ôm “bom”, nhà đầu tư cổ phiếu FLC, ROS phải làm gì?