Điều hành tăng trưởng tín dụng chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát. Nhu cầu vay vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay.
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, ngày 6.9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong tháng, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường; nhiều yếu tố mới như hạn hán kéo dài trên diện rộng tại Trung Quốc, EU; chính sách tiền tệ nới lỏng tại Trung Quốc; căng thẳng địa chính trị gia tăng tại một số khu vực…
Trong nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi rất tích cực.
Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; CPI tính chung 8 tháng tăng 2,58%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng giảm nhẹ; thu ngân sách 8 tháng ước đạt 85,6% dự toán, tạo dư địa điều hành chính sách tài khóa, hỗ trợ chính sách tiền tệ.
Xuất nhập khẩu tháng 8 ước tăng 17,3% so với cùng kỳ; nền kinh tế tháng 8 ước tính xuất siêu 2,42 tỉ USD, tính chung 8 tháng xuất siêu 3,96 tỉ USD; Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,4%; du lịch tiếp tục phục hồi tích cực…
Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 8 tháng đạt gần 150.000 doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; biểu thị niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp vào ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế nước ta.
Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các dự án trọng điểm, xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình quan trọng, chiến lược trong 8 tháng đầu năm như đoạn Cao Bồ-Mai Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, Hạ Long-Móng Cái, cầu Thủ Thiêm 2; Nhiệt điện Thái Bình, Nghi Sơn, Sông Hậu…; xử lý 2 ngân hàng kiểm soát đặc biệt…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng…, tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước…
Điều hành tăng trưởng tín dụng chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát, nhu cầu vay vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay.
Thu hút FDI gặp nhiều khó khăn, FDI đăng ký cấp mới 8 tháng chỉ bằng 56,1% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỉ giá, thu hút công nghệ cao… trong trung và dài hạn.
Xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái; số đơn hàng dệt may, gỗ, thủy sản… đi Mỹ và EU có dấu hiệu suy giảm; tồn kho gia tăng.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dịch COVID-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp, có nguy cơ "dịch chồng dịch"... Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
"Nhìn chung, trong tháng 8 và 8 tháng năm 2022, nền kinh tế có xu hướng phục hồi ngày càng tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; tuy nhiên, những khó khăn, thách thức phải đối mặt cũng rất lớn, do biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, thị trường thế giới chậm phục hồi, việc điều chỉnh chính sách của các nước; nếu không có giải pháp điều hành, hỗ trợ kịp thời, có thể làm suy giảm tiềm năng phục hồi kinh tế, tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực, đời sống người dân", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giải ngân 55.000 tỉ đồng chương trình phục hồi và phát triển
Về triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nhìn chung, sau gần 8 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã tiếp tục chủ động, nỗ lực xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Đến ngày 2.9, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỉ đồng, trong đó: (i) Các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỉ đồng; (ii) Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỉ đồng cho gần 4,54 triệu lao động; (iii) hỗ trợ 2% lãi suất đạt 13,5 tỉ đồng; (iv) Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26.8.2022 là 34.970 tỉ đồng; (v) Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6.2022 là 7,4 nghìn tỉ đồng. Ngoài ra gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục còn phức tạp và chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt; việc hỗ trợ lãi suất 2% còn hạn chế…
Về giải ngân đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đến ngày 31.8 là hơn 212.227 tỉ đồng, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tính về số tuyệt đối giải ngân thì cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 24.942 tỉ đồng.