Việc tiếp cận khoản vay với lãi suất ưu đãi 2% theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP là khá khó khăn và doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không tiếp cận được.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc tiếp cận khoản vay với lãi suất ưu đãi 2% theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP là khá khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế gần như không tiếp cận được. Trong khi đây là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch, họ rất mong chờ và kỳ vọng có thể tiếp cận được vốn tín dụng.
Trong góp ý cho dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đề nghị bổ sung nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu để sửa đổi quy định về điều kiện tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi 2% này để chính sách thực sự đến được với doanh nghiệp.
Đối với Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI cho rằng cần có cơ chế tăng quy mô vốn cho quỹ ngoài việc tiếp nhận và quản lý nguồn vay từ ngân sách, thiết lập các chế độ phù hợp để kêu gọi các nguồn tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác từ các tổ chức, cá nhân…
Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vay vốn của Quỹ dễ dàng hơn như điều kiện yêu cầu tài sản thế chấp, hạn mức vay, lãi suất… Vấn đề các doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu tài sản thế chấp nên quỹ cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Về nhóm giải pháp “Khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước”, VCCI đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ “hỗ trợ thiết lập các kênh phân phối ổn định, thông suốt, tin cậy đặc biệt đối với các sản phẩm nông sản”.
Đối với hoạt động thúc đẩy mở rộng thị trường quốc tế, cần kịp thời xử lý các vướng mắc nhằm giảm bớt, tiến tới khắc phục các bất cập trong hoạt động logistics xuất khẩu, đặc biệt đối với nông sản khu vực ĐBSCL và biên giới với Trung Quốc.
Ngoài ra, triển khai thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng ưu đãi thuế quan theo các hiệp định này; tăng cường các hoạt động đàm phán, thỏa thuận với các đối tác thị trường tiềm năng để các nước này mở cửa thêm cho các loại nông sản Việt Nam…
Tại điểm 5.a dự thảo xác định các bộ, ngành, địa phương “tập trung giải quyết các bất cập do quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường”.
VCCI cho rằng đây là những lĩnh vực tác động rất lớn đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, dự thảo xác định tập trung vào giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực này là hợp lý. Tuy nhiên, trên thực tế, các vấn đề như thiếu minh bạch, thiếu thống nhất, chưa hợp lý trong các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật không chỉ ở trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, tài nguyên và môi trường mà còn có ở các lĩnh vực khác, gây khó khăn, bất cập cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Để có thể khắc phục một cách toàn diện những điểm vướng gây khó cho doanh nghiệp trong trung và dài hạn, rất cần thiết phải xem xét chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật trong toàn bộ hệ thống pháp luật kinh doanh.
VCCI đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý nhà nước tạo môi trường thuận lợi và thủ tục nhanh chóng, thuận tiện cho các doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Đồng thời, tổ chức đối thoại định kỳ giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, đảm bảo sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đánh giá thực chất và công khai kết quả đánh giá quá trình xử lý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Tại điểm 5.b dự thảo đặt ra nhiệm vụ cho Bộ Tài chính “nâng cao các điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán cá nhân chuyên nghiệp, các tổ chức kiểm toán, định giá tài sản”. Nội dung này được hiểu điều kiện kinh doanh của tổ chức kiểm toán, định giá tài sản sẽ được nâng lên.
“Điều này dường như chưa phù hợp với chính nội dung tại điểm 5.a “không xây dựng, ban hành các thủ tục, rào cản mới cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, trừ trường hợp cần thiết và phải đánh giá tác động”, VCCI nêu.
Theo VCCI, dự thảo chưa thể hiện rõ nội dung về giải pháp để thúc đẩy đạt được mục tiêu về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập. Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển doanh nghiệp (cả về số lượng và chất lượng) là việc nâng cấp, phát triển doanh nghiệp từ các hộ kinh doanh.
Với hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đây vẫn là nguồn lực quan trọng để phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, dự thảo vẫn chưa có giải pháp nào liên quan đến đến các chủ thể này.
Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung các giải pháp để thúc đẩy khởi nghiệp, gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh; cần có giải pháp để khuyến khích, thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành doanh nghiệp; đồng thời có các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với các nhóm doanh nghiệp mới thành lập, để các doanh nghiệp này có thể trụ vững và duy trì hoạt động trên thị trường…